Vũ Thị Duyên1, Phạm Thị Kim Trang1, Vi Thị Mai Lan1, Đào Việt Nga1, Trần Thị Mai1, Dieke Postma2, Phạm Hùng Việt1*
*Tác giả liên hệ: Email: phamhungviet@hus.edu.vn
1Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
2Viện Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS)
Ngày nhận bài: 03/12/2016; ngày chuyển phản biện: 07/12/2016; ngày nhận phản biện: 26/12/2016; ngày chấp nhận đăng: 30/12/2016
Tóm tắt:
Trong nghiên cứu này, các tác giả sử dụng phương pháp chiết đơn với các tác nhân chiết khác nhau để chiết asen (As) liên kết trên các pha khoáng sắt trong trầm tích tại khu vực tây bắc Hà Nội. Năm tác nhân chiết được sử dụng là: 1) NH4H2PO4 50mM; 2) Axit formic 0,5M, pH 3; 3) Axit formic 0,5M + axit ascorbic 10mM, pH 3; 4) Amoni oxalat 0,2M + axit ascorbic 0,1M, pH 3 và 5) HNO3/H2O2 kết hợp lò vi sóng, tương ứng với 5 pha khoáng: (1) pha hấp phụ ion; (2) pha khoáng dễ hòa tan; (3) pha khoáng sắt hoạt động; (4) pha khoáng oxyhyđroxit sắt tinh thể và (5) pha khoáng bền vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ As trong trầm tích ở khu vực nghiên cứu trong khoảng 1-6 mg/kg (trung bình 2 mg/kg). Trong đó, hầu hết As liên kết với các pha khoáng oxit sắt và lượng As trên pha khoáng hấp phụ ion cũng chiếm một phần đáng kể (10-25%) trong tổng số As chiết được. Sự có mặt của As trên pha khoáng dễ hòa tan là không đáng kể (<10%), đồng thời rất ít thấy sự có mặt của pha khoáng sắt hoạt động trong trầm tích cũng như As liên kết với pha khoáng này. Từ sự phân bố của As trên các pha khoáng trong trầm tích có thể thấy rằng, As có mối tương quan chặt chẽ với các pha khoáng sắt, đặc biệt là các oxyhyđroxit sắt.