Từ Bình Minh1*, Hoàng Quốc Anh1 , Trần Mạnh Trí1 , Lê Sĩ Hưng1 , Phạm Thị Ngọc Mai1 , Nguyễn Thúy Ngọc2
Tác giả liên hệ: Email: tubinhminh@gmail.com
1 Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững (CETASD), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày nhận bài: 04/03/2016; ngày chuyển phản biện: 08/03/2016; ngày nhận phản biện: 04/04/2016; ngày chấp nhận đăng: 11/04/2016
Tóm tắt:
Trong nghiên cứu này, các tác giả xác định hàm lượng và đặc trưng phân bố của các Polybrom diphenyl ete (PBDEs) trong trầm tích mặt đối với sinh vật đáy thu thập từ một số khu vực ở miền Bắc nước ta. Hàm lượng PBDEs trong tất cả các mẫu trầm tích nằm trong khoảng 1,31 đến 1715 ng/g trọng lượng khô với giá trị trung bình 324 ng/g. Nồng độ (giá trị trung bình và khoảng) của 8 đồng loại PBDEs trong các mẫu trầm tích tại làng Triều Khúc, Hà Nội; làng Bùi Dâu, Hưng Yên và một số làng nghề thủ công ở Bắc Ninh lần lượt là: 537 (363-864); 432 (1,31-1715) và 2,89 (1,77-3,87) ng/g. Các đồng loại chủ yếu phát hiện được là BDE-209 và BDE-99. Mẫu trầm tích lấy tại một số khu tái chế rác thải điện tử tự phát ở Triều Khúc và Bùi Dâu có mức độ ô nhiễm PBDEs cao hơn so với các khu vực khác. Điều này cho thấy, tái chế rác là một nguồn phát thải PBDEs đáng lưu ý. Rủi ro sinh thái của PBDEs trong trầm tích đối với sinh vật đáy (Daphnia magna) tại các khu vực nghiên cứu được đánh giá thông qua giá trị hệ số rủi ro (RQ) cho từng đồng loại. Phần lớn các RQ đều nằm trong khoảng giá trị 0 < RQ ≤ 100 (tương ứng với mức không có rủi ro đến có khả năng rủi ro đáng kể), tuy nhiên trong một số ít mẫu tại Triều Khúc và Bùi Dâu có giá trị RQ của các đồng loại như BDE-99, -100, -183 và -209 tương đối cao, cho thấy các chất này có khả năng gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sinh vật đáy.