Ngày nhận bài: 01/06/2016; ngày chuyển phản biện: 09/06/2016; ngày nhận phản biện: 12/07/2016; ngày chấp nhận đăng: 20/07/2016
Tóm tắt:
Tế bào tua (TBT) là tế bào trình diện kháng nguyên chuyên nghiệp nhất tới các tế bào lympho T trong quá trình đáp ứng miễn dịch. Ung thư (UT) là bệnh được gây ra bởi sự phân chia không kiểm soát được của tế bào do chúng lẩn tránh được sự kiểm soát của tế bào T gây độc. Để kiểm soát được bệnh UT, bên cạnh phương pháp điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị thì liệu pháp miễn dịch đang được áp dụng rộng rãi. Một trong các liệu pháp miễn dịch được quan tâm nhất hiện nay là việc sử dụng TBT đã được hoạt hóa có chức năng như một vắc-xin chống lại bệnh UT. Liệu pháp này, trong một số trường hợp, khi áp dụng cho bệnh nhân UT giai đoạn cuối đã di căn có thể kéo dài thời gian sống được đến 10-15 năm. Hiện nay, trên thế giới (trong đó có Việt Nam), các nhà khoa học đã và đang tập trung xác định cơ chế phân tử và các gen chuyên biệt gây ra bệnh UT để định hướng điều trị bệnh hiệu quả. Một trong các nguyên nhân chính gây bệnh UT được công bố hiện nay đó là mức độ biểu hiện của phân tử cytotoxic T-lymphocyte-associated antigen 4 (CTLA4) và phân tử programmed cell death protein 1 (PD-1) tăng cao để thu hút tế bào T điều hòa xuất hiện với số lượng lớn, đồng thời ức chế sự xuất hiện của tế bào T gây độc tại vị trí ung bướu, tạo ra hệ miễn dịch đối kháng trong cơ thể người bệnh. Ngoài ra, hoạt động bất thường của nhân tố phiên mã nuclear factor-κB (NF-κB) cũng là một trong những nguyên nhân gây ra UT do nó ảnh hưởng đến sự dịch mã hình thành các gen tham gia điều hòa quá trình sinh lý tế bào. Tín hiệu phân tử NF-κB này được kích hoạt bởi sự tương tác giữa hầu hết các thụ thể trên bề mặt tế bào bạch cầu và yếu tố ligand đặc hiệu. Chính vì vây, nghiên cứu phát hiện tín hiệu phân tử trong TBT cũng như các loại tế bào bạch cầu khác có vai trò kiểm soát sự phát triển của tế bào UT để xác định phương pháp chữa bệnh UT đạt hiệu quả đang là một thử thách với các nhà khoa học trong và ngoài nước.