Lương Hữu Dũng1*, Trịnh Thu Phương2 , Nguyễn Lê Giang1
*Tác giả liên hệ: dungluonghuu@gmail.com
1 Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu
2 Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương
Ngày nhận bài: 18/03/2016; ngày chuyển phản biện: 21/03/2016; ngày nhận phản biện: 11/04/2016; ngày chấp nhận đăng: 21/04/2016
Tóm tắt:
Những năm gần đây, tại Việt Nam, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi. Từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng ELNINO kéo dài, thời tiết diễn biến bất thường; trong năm 2015, nhiều khu vực không có mưa lớn, lượng dòng chảy trên các sông, suối ở hầu hết các vùng đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên [1]. Ở Tây Nguyên, năm 2015 dòng chảy có xu thế giảm và thiếu hụt so với TBNN từ 30-70%, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi đều ở mức thấp hơn so với dung tích thiết kế, trung bình đạt khoảng 50-60%, một số hồ đã trơ đáy hoặc cạn tới mực nước chết [2]. Đến đầu năm 2016, tình hình hạn hán được đánh giá có diễn biến phức tạp và gay gắt hơn năm 2015 do lượng mưa có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN khoảng 20-50% [3]. Để có cái nhìn tổng quan về vấn đề này, bài báo trình bày kết quả phân tích đặc điểm nguồn nước trên hai lưu vực chính ở Tây Nguyên trong năm 2015-2016.