Bùi Anh Tuấn1, Nguyễn Đức Hiếu2, Nghiêm Ngọc Minh2, Võ Thị Bích Thủy2*
*Tác giả liên hệ: thuybvo@ibt.ac.vn
1Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an
2Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ngày nhận bài: 26/03/2018; ngày chuyển phản biện: 30/03/2018; ngày nhận phản biện: 02/05/2018; ngày chấp nhận đăng: 07/05/2018
Tóm tắt:
Cây phát sinh chủng loại của 33 giống lợn nhà và lợn hoang thuộc nhánh châu Âu và châu Á, trong đó có 6 giống lợn bản địa Việt Nam đã được dựng lên từ dữ liệu trình tự vùng D-loop và vùng mã hóa của hệ gen ty thể. Lần đầu tiên dữ liệu hoàn chỉnh về hệ gen ty thể của 6 giống lợn Ỉ, Móng Cái, Mường Khương, Mường Lay, Hương và Hạ Lang được công bố trên GenBank với các mã số truy cập KX094894, KU556691, KY432578, KX147101, KY964306 và KY800118. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định trình tự hoàn chỉnh hệ gen ty thể của cả 6 giống lợn, chú giải chức năng hệ gen, phân tích đa hình trình tự mtDNA, qua đó làm cơ sở để nghiên cứu phát sinh chủng loại, xác định về nguồn gốc và quan hệ tiến hóa của các giống lợn này với các giống lợn khác trên thế giới, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu bảo tồn nguồn gen. Kết quả dựa trên khảo sát về khoảng cách di truyền và mối quan hệ phát sinh phân tử cho biết mối quan hệ di truyền theo dòng mẹ giữa 6 giống lợn bản địa Việt Nam và những giống lợn bản địa này có mối quan hệ gần gũi với các nhóm lợn Nam Trung Quốc và lưu vực sông Hoàng Hà. Những kết quả nghiên cứu của đề tài là nguồn dẫn liệu quan trọng cho các nghiên cứu khác về các giống lợn bản địa ở Việt Nam.