Vì Thị Xuân Thủy1*, Bùi Thị Minh Thúy2, Hoàng Thị Huệ Khang2, Chu Hoàng Mậu2
*Tác giả liên hệ: Tel: 0983484171; Email: xuanthuy@utb.edu.vn
1Trường Đại học Tây Bắc
2Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên
Ngày nhận bài: 10/04/2017; ngày chuyển phản biện: 14/04/2017; ngày nhận phản biện: 26/05/2017; ngày chấp nhận đăng: 05/06/2017
Tóm tắt:
Defensin thực vật là protein đa chức năng, một trong các chức năng quan trọng là ức chế hoạt động của α-amylase từ ruột côn trùng. Dựa trên đặc tính này, nhiều tác giả đã nghiên cứu sử dụng defensin thực vật để bảo vệ cây trồng chống lại mọt hại hạt trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Gen defensin1 (ZmDEF1) phân lập từ giống ngô địa phương Mai Sơn (Sơn La) - giống có khả năng kháng mọt ngô cao được sử dụng làm gen chuyển trong thí nghiệm tạo cây thuốc lá chuyển gen từ giống C9-1. Kết quả cho thấy, biến nạp cấu trúc pBetaPhaso-ZmDEF1 vào 60 mảnh lá của giống thuốc lá C9-1 trong 3 lần thí nghiệm thu được 56 mảnh sống sót, tạo được 69 chồi, chuyển được 12 cây chuyển gen ra trồng trong bầu đất và có 6 cây trồng tại nhà lưới sinh trưởng, phát triển bình thường, biểu hiện xanh tốt, mập mạp. Kiểm tra sự có mặt của gen chuyển ZmDEF1 ở các dòng thuốc lá chuyển gen bằng phản ứng PCR thu được 5/6 dòng cây chuyển gen chứa gen chuyển ZmDEF1, hiệu suất chuyển gen đạt 8,33%. Kết quả này là cơ sở để tiến hành thí nghiệm chuyển gen ZmDEF1 ở ngô nhằm tạo các dòng ngô chuyển gen có khả năng kháng mọt cao.