Hoàng Văn Long1*, Ngô Thị Kim Chi1 , Trần Thị Oanh2
* Tác giả liên hệ: Email: hoangvanlong@humg.edu.vn
1 Trường Đại học Mỏ - Địa chất
2 Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc
Trũng An Châu nằm trọn trong đới cấu trúc Đông Bắc Bộ và là một trong những bể trầm tích trước Kanozoi lớn nhất Việt Nam. Trong nghiên cứu này, tập thể tác giả trình bày một số kết quả nghiên cứu về các điều kiện địa chất, địa tầng có thể hình thành nên một hệ thống dầu khí trong vùng nghiên cứu dựa trên tài liệu khảo sát thực địa kết hợp với việc xử lý tài liệu địa chất và địa vật lý đã thực hiện trước đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trũng An Châu có đủ các điều kiện thuận lợi để có thể hình thành một hệ thống dầu khí. Trong đó, tầng đá sinh là các đá trầm tích sét kết, đá phiến sét màu đen, giàu vật chất hữu cơ thuộc hệ tầng Mẫu Sơn và hệ tầng Vân Lãng; trong khi tầng chứa là các tầng cát kết, sạn kết hạt trung bình - thô có độ rỗng và độ thấm tốt tuổi T-K và tầng đá móng carbonat bị nứt nẻ tuổi C-P nằm ở phần sâu của trũng. Tầng chắn bao gồm cả tầng chắn khu vực là các tầng sét kết được hình thành trong môi trường biển nông tuổi T1-2 và tầng chắn địa phương là các tập sét kết hình thành trong các trũng địa hào nội lục tuổi T3 -K. Các cấu tạo triển vọng được tập trung vào hai loại chính đó là tầng đá móng carbonat tuổi C-P bị phá hủy trong các khối nâng địa lũy và các cấu tạo nếp lồi quy mô lớn phát triển trong các đá trầm tích lục nguyên tuổi MZ.