Nguyễn Đức Thành1 , Đinh Tuấn Minh2 , Nguyễn Quang Thái1*
*Tác giả liên hệ: Email: nguyen.quangthai@vepr.org.vn
1 Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Ngày nhận bài: 19/02/2016; ngày chuyển phản biện: 25/02/2016; ngày nhận phản biện: 22/03/2016; ngày chấp nhận đăng: 04/04/2016
Tóm tắt:
Gia tăng sản lượng và xuất khẩu gạo được coi là định hướng của ngành lúa gạo Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những phân tích về cấu trúc thị trường lúa gạo thế giới từ nghiên cứu này cho thấy, trong dài hạn, cung xuất khẩu gạo có khả năng sẽ lớn hơn cầu. Nhận định này xuất phát từ việc một số quốc gia như Ấn Độ, Campuchia và Myanmar đang gia tăng sản lượng lúa; trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo tại các quốc gia châu Á chuẩn bị đạt đỉnh và sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ từ năm 2030. Chính vì vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi định hướng lớn, chú trọng hơn vào chất lượng hạt gạo cũng như thị trường nội địa thay vì tập trung xuất khẩu. Thị trường nội địa cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam. Nghiên cứu đi sâu phân tích đặc điểm và cấu trúc thị trường lúa gạo thế giới, trong đó chú trọng tới sự thay đổi về tính chất cạnh tranh/tập trung của các nước xuất, nhập khẩu gạo. Kết cấu các bên mua và bán trên thị trường gạo thế giới sẽ quyết định hành vi của các thành phần và hành vi này sẽ quyết định hiệu quả, định hướng thị trường trong tương lai. Vì thế, các chính sách của Việt Nam cần thuận theo xu hướng thị trường gạo thế giới để phát triển bền vững.