Ngày nhận bài: 22/09/2015; ngày chuyển phản biện: 25/09/2015; ngày nhận phản biện: 29/10/2015; ngày chấp nhận đăng: 31/10/2015
Tóm tắt:
Trong lịch sử tổ chức chính quyền quân chủ Việt Nam (kể từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, đến triều Nguyễn), quan lại phục vụ trong bộ máy nhà nước, khi tuổi đã cao hoặc ốm đau, bệnh tật, thì được triều đình cho phép về nghỉ dưỡng ở quê hương. Chế độ hưu trí ấy cụ thể như thế nào? Từ xưa, sử cũ của nước ta chép không được thật sự rõ ràng. Trong mục Lệ Trí sĩ, thiên Quan chức chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú cũng chỉ nói sơ qua chế độ này từ đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đến hết triều Lê Trung hưng (1533-1788) mà thôi. Lý do mà sử gia Phan Huy Chú đưa ra để giải thích cho sự thiếu hụt nêu trên là không có sử liệu, ông viết: “Lệ về hưu triều Trần đã có rồi, nhưng thể cách không biết rõ được (như đời Anh Tông, Nguyễn Tiến Ngô trí sĩ rồi lại ra làm quan). Thời Lê sơ (1428-1527) mới định hạn tuổi, điển lệ cũng không khảo được…”[1]. Do đó, việc tìm hiểu nguồn gốc, danh xưng và diễn tiến của chế độ hưu trí trong lịch sử chính quyền quân chủ Việt Nam là điều hết sức cần thiết.