Nguyễn Văn Vấn1*, Trần Duy Quý1 , Lê Đức Khánh2 , Lê Quang Khải2 Nguyễn Thị Thủy2 , Trần Thanh Toàn2
*Tác giả chính: Email: van.vaas@gmail.com
1 Viện Nghiên cứu sản phẩm sinh học nông nghiệp công nghệ cao
2 Viện Bảo vệ thực vật
Ngày nhận bài: 12/03/2015; ngày chuyển phản biện: 16/03/2015; ngày nhận phản biện: 20/04/2015; ngày chấp nhận đăng: 29/04/2015
Tóm tắt:
Sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chiếm gần 90% diện tích và sản lượng của Việt Nam. Vấn đề đang gây bức xúc hiện nay là khoảng 20% diện tích cà phê đã già cỗi, suy thoái, không mang lại hiệu quả kinh tế, và còn rất nhiều diện tích khác cũng đang có nguy cơ dẫn tới hiện tượng này. Hơn nữa, hiện tượng suy thoái , già cỗi xảy ra với cả các vườn cà phê còn ít tuổi. Những nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra một số nhóm nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trên. Trong đó, nguyên nhân thuộc về giai đoạn mới trồng chỉ để rút kinh nghiệm cho phát triển diện tích cà phê mới, gồm: phát triển cà phê không theo quy hoạch; giống và chất lượng cây giống cà phê và trồng cây che bóng. Các nguyên nhân còn lại vừa là nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng có thể chủ động quản lý được, bao gồm: đất và dinh dưỡng đất trồng cà phê; thành phần dịch hại và sự tích lũy dịch hại trong vườn cà phê; chăm sóc cà phê; sự khai thác một cách quá mức. Việc nghiên cứu, phân tích làm rõ những nguyên nhân trên giúp cho người trồng cà phê có thể chủ động quản lý theo hướng tích cực, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng và kéo dài thời kỳ kinh doanh cho các vườn cà phê ở Tây Nguyên.