Tóm tắt:
Rau tiền đạo là một cấp cứu sản khoa, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và con. Trong trường hợp thai phụ bị rau tiền đạo chảy máu nhiều mà không cấp cứu kịp có thể gây tử vong mẹ. Nguyên nhân sinh ra rau tiền đạo cho đến nay vẫn chưa được biết đến đầy đủ. Tuy nhiên, tần suất rau tiền đạo tăng lên ở những thai phụ có tiền sử đẻ nhiều lần, mổ lấy thai, bóc nhân xơ tử cung… Nghiên cứu được thực hiện trên 56 thai phụ đã được chẩn đoán rau tiền đạo và 154 thai phụ ở nhóm chứng tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhằm khảo sát một số yếu tố nguy cơ ở thai phụ bị rau tiền đạo và đưa ra những khuyến nghị phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh ở địa phương này và khu vực lân cận. Kết quả là, tiền sử nạo phá thai, sẩy thai và tiền sử viêm nhiễm tử cung chiếm 8,9% và 1,8% với OR = 7,7; 95%CI = 1,4-41,2 và OR = 2,7; 95%CI = 0,1-45,2. Số lần sinh ≥ 4 lần chiếm tỷ lệ 10,7% với OR = 9,1; 95%CI = 1,7-46,6; p < 0,05. Đa thai, tử cung dị dạng, tiền sử đẻ có kiểm soát tử cung, tiền sử rau tiền đạo chiếm tỷ lệ lần lượt là 3,6%; 3,6%; 5,4%; 7,1%. Tử cung có sẹo mổ cũ chiếm tỷ lệ 33,9% với OR = 2,3; 95%CI = 1,2-4,7. Tiền sử đặt dụng cụ tử cung chiếm 37,5% với OR = 1,3; 95%CI = 0,7-2,5. Ở nhóm rau tiền đạo truyền máu chiếm tỷ lệ là 19,6% với OR = 18,5; 95%CI = 3,9-86,9 và rối loạn chức năng đông máu chiếm 1,8%. Suy thai chiếm 14,3%. Ở nhóm rau tiền đạo kết thúc thai kỳ bằng mổ lấy thai chiếm tỷ lệ 94,6% (nhóm chứng 35,7%) với OR = 31,8; 95%CI = 1,5-15,9. Sinh nhiều lần, tử cung có vết mổ cũ hoặc có tiền sử nạo buồng tử cung nhiều lần là những thai phụ có nguy cơ bị rau tiền đạo cao hơn nhiều so với những thai phụ bình thường.