Lê Ngọc Hà* , Mai Hồng Sơn, Phạm Nguyên Sơn Nguyễn Cường Thịnh, Nguyễn Thị Minh Phương và cộng sự
*Tác giả liên hệ: Email: bvtuqd108@benhvien108.com
Bệnh viện Trung ương quân đội 108
Ngày nhận bài: 18/01/2016; ngày chuyển phản biện: 21/01/2016; ngày nhận phản biện: 22/02/2016; ngày chấp nhận đăng: 26/02/2016
Tóm tắt:
Mục tiêu của nghiên cứu gồm 3 nội dung: (1) tìm hiểu giá trị của PET/CT sử dụng 18F-FDG trong đánh giá khả năng sống của cơ tim ở bệnh nhân (BN) sau nhồi máu cơ tim (NMCT); (2) đánh giá giai đoạn và đáp ứng điều trị hóa chất ở BN lymphoma; (3) chẩn đoán giai đoạn ở BN ung thư đại - trực tràng (UTĐTT) trước phẫu thuật và phát hiện tái phát ở BN UTĐTT sau phẫu thuật. 69 BN sau NMCT được đánh giá khả năng sống cơ tim bằng xạ hình SPECT tưới máu cơ tim và 18F-FDG PET. Các BN cơ tim đông miên được theo dõi chức năng thất trái bằng siêu âm sau 6 và 12 tháng tái tưới máu động mạch vành. 60 BN mắc bệnh hạch ác tính được lựa chọn vào nghiên cứu. Tất cả BN được chụp 18F-FDG PET/CT toàn thân để đánh giá giai đoạn trước điều trị và theo dõi kết quả điều trị sau 3 chu kỳ và 6 chu kỳ hoá chất. 70 BN nghi ngờ UTĐTT nguyên phát và 40 BN UTĐTT nghi ngờ tái phát được chụp 18F-FDG PET/CT để chẩn đoán giai đoạn và chẩn đoán tái phát, di căn. Hình ảnh PET/CT được so sánh với CT và kết quả mô bệnh học sau phẫu thuật. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 29% số BN có hình ảnh cơ tim đông miên (hibernating). Nhóm BN cơ tim đông miên với diện tích trên 10-20% thất trái được can thiệp tái tưới máu cải thiện chức năng tâm thu thất trái rõ rệt từ 40,5±5,18% đến 48,3±4,05. 18F-FDG PET/CT phát hiện thêm nhiều tổn thương hạch và ngoài hạch làm tăng số BN lymphoma giai đoạn III, IV. Sau 3 chu kỳ hóa trị, 53,5% số BN lymphoma đáp ứng hoàn toàn, 33,3% đáp ứng một phần và tiếp tục được điều trị với phác đồ hoá chất. 11,8% số BN có dấu hiệu tiến triển và được thay đổi phác đồ điều trị hóa chất khác. Có mối liên quan chặt chẽ và sự phù hợp cao giữa hình ảnh 18F-FDG PET/CT sau 3 chu kỳ và 6 chu kỳ điều trị hoá chất ở BN lymphoma. Đối với BN UTĐTT nguyên phát, 18F-FDG PET/CT có độ nhạy 78% và độ đặc hiệu 84%, cao hơn so với CT (61 và 69%) trong chẩn đoán di căn hạch vùng. Hình ảnh 18F-FDG PET/CT làm thay đổi giai đoạn bệnh ở 36,9%, đa số BN tăng giai đoạn. So với chụp CT, PET làm tăng số BN ở giai đoạn III từ 26,2 lên 32,3% và tăng số BN giai đoạn IV từ 18,4 lên 29,2% khi đánh giá bằng PET/ CT. Trong chẩn đoán phát hiện tái phát, 18F-FDG PET/CT có độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 67%, giá trị dự đoán dương tính 88%, giá trị dự báo âm tính 100% so với các giá trị tương ứng của CT là 43%, 100%, 100%, 43% và của CEA là 64%, 67%, 44%, 81%. Có thể kết luận, 18F-FDG PET/CT là phương pháp có giá trị trong đánh giá khả năng sống của cơ tim và giúp định hướng cho điều trị tái tưới máu động mạch vành ở BN sau NMCT. 18F-FDG PET/CT đánh giá giai đoạn tốt hơn CT ở BN lymphoma, đồng thời có khả năng đánh giá sớm kết quả điều trị hoá chất, định hướng chọn lựa phác đồ hoá chất phù hợp. 18F-FDG PET/CT có giá trị trong chẩn đoán giai đoạn ở BN UTĐTT trước phẫu thuật và phát hiện di căn ở BN UTĐTT nghi ngờ tái phát sau phẫu thuật.