Lê Hùng Lĩnh1*, Chu Đức Hà1, Đào Văn Khởi2, Phạm Thị Lý Thu1
1Viện Di truyền nông nghiệp
2Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia
Ngày nhận bài: 19/10/2016; ngày chuyển phản biện: 21/10/2016; ngày nhận phản biện: 22/11/2016; ngày chấp nhận đăng: 28/11/2016
Tóm tắt:
Việt Nam là một trong những nước ở châu Á chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi ảnh hưởng của tình trạng ngập úng. Ngập úng gây ra bởi bão và lũ lụt là một trong những nguyên nhân chính gây sụt giảm năng suất lúa gạo. Cải thiện tính chịu ngập ở lúa được coi là rất quan trọng, nhằm giảm thiểu rủi ro do tình trạng ngập úng gây ra. Sử dụng phương pháp chỉ thị phân tử kết hợp lai trở lại (MABC - Marker-assisted backcrossing) đã mang lại thành công khi chuyển gen Sub1 từ PSB-Rc68 vào giống Khang Dân 18 (KD18). Trong nghiên cứu này, các tác giả trình bày kết quả khảo nghiệm giống SHPT2 (Khang Dân 18-Sub1) để đánh giá tính trạng nông học, yếu tố cấu thành năng suất tại một số tỉnh. Giống tích hợp gen có một số đặc tính nổi bật như thời gian sinh trưởng đạt khoảng 125-135 ngày trong điều kiện vụ mùa, sinh trưởng phát triển tốt, dạng hình đẹp, đẻ nhánh tập trung, trỗ nhanh, thoát cổ bông, độ thuần đồng ruộng cao và mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ. Trong điều kiện khảo nghiệm sản xuất, năng suất thực thu của giống SHPT2 đạt bình quân khoảng 60-65 tạ/ha. Kết quả cho thấy giống SHPT2 có tiềm năng trở thành giống mới, có tính chịu ngập và thay thế giống KD18 tại một số địa phương bị ảnh hưởng bởi ngập úng.