Đánh giá về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) Việt Nam sau gần ba thập niên đổi mới hiện đang có những ý kiến trái ngược nhau. Những đánh giá chính thức, những tổng kết nội bộ theo từng chuyên ngành, từng lĩnh vực thì thường là ghi nhận bước chuyển sau quá trình đổi mới, đồng thời cũng không quên nhắc đến những hạn chế, bất cập, yếu kém so với bên ngoài. Bên cạnh đó, những đánh giá khác của các cá nhân nhà khoa học, các diễn đàn chính thức và không chính thức trên báo chí và trên các tài liệu online hoặc của một vài tổ chức quốc tế có quan tâm... thì rất ít những đánh giá tích cực, lạc quan, mà phần nhiều là những lo lắng, băn khoăn, không thỏa mãn, thậm chí báo động với trình độ và hiện trạng của KHXH&NV ở tất cả các dạng hoạt động của nó (nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng thực tiễn và tư vấn chính sách). Dưới góc độ của một nhà khoa học làm việc và nghiên cứu về thông tin KHXH&NV, tác giả đã đưa ra những thành tựu nổi bật của KHXH&NV kể từ sau đổi mới (đóng góp có ý nghĩa quyết định cho sự chuyển đổi; thay đổi các quan niệm cốt tử trong văn hóa và dân trí) và nhấn mạnh sự hạn chế của nó trong tư vấn chính sách.