Thứ tư, 24/04/2024 16:15

Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Những khó khăn cần tháo gỡ

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) có thể đóng vai trò động lực tăng năng suất cho khu vực tư nhân ở Việt Nam. Đó là khẳng định trong Báo cáo có chủ đề “Đẩy mạnh KNĐMST” (Báo cáo) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23/04/2024. Báo cáo của WB đã chỉ ra một số khó khăn đối với các doanh nghiệp KNĐMST và đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình.

Bất cập trong quản lý

Báo cáo của WB cho rằng, mặc dù đã có những thành công nhất định, song các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Chính phủ Việt Nam còn manh mún. Hiện nay có 2 cơ quan được giao nhiệm vụ chính về hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phụ trách về chính sách ĐMST, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) và khởi nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động triển khai chính sách lại bị phân tán ở nhiều cơ quan trực thuộc, dẫn đến chồng chéo và thiếu phối hợp.

Về thiết kế và hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST và DNV&N ở Việt Nam, Báo cáo của WB cho rằng còn chưa bám sát các thông lệ tốt trên thế giới. “Khác với các quốc gia phát triển, các tổ chức trung gian sử dụng vốn của Nhà nước chỉ cung cấp số lượng hạn chế các dịch vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong khi khu vực tư nhân chưa tham gia đầy đủ trong việc thiết kế và vận hành các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, khiến cho chất lượng hỗ trợ chưa được như ý” - Báo cáo nhấn mạnh.

Khó khăn trong tiếp cận vốn

Theo Khảo sát KNĐMST năm 2023 của WB, có tới 69% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển. Tương tự, gần một nửa các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 nói về khó khăn đó, cao hơn so với năm 2017. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khả năng tiếp cận tài chính là vấn đề cấp thiết nhất trong những giai đoạn phát triển ban đầu khi phải làm sản phẩm khả thi tối thiểu, song hầu hết họ thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các nhà đầu tư. Bất cập này được coi là cấp thiết nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và phát triển phần cứng, do các hoạt động này đòi hỏi nhiều vốn để phát triển.

Những khó khăn, thách thức chính mà các doanh nghiệp KNĐMST tham gia khảo sát phải đối mặt (nguồn: WB 2024).

Báo cáo của WB cũng cho thấy, chương trình ĐMST lớn nhất của Việt Nam cung cấp ưu đãi thuế cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT) tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong khi hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp dành cho khu vực tư nhân trong nước lại ít hơn rất nhiều khi so sánh với các quốc gia trong khu vực. Ví dụ hỗ trợ trực tiếp của Philippines dành cho ĐMST của doanh nghiệp lên đến 237 triệu USD (chiếm 0,07% GDP), trong khi Việt Nam là 69 triệu USD.

Vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã và đang tăng nhanh trong 5 năm qua, là bằng chứng cho thấy tiềm năng phát triển của hệ sinh thái KNĐMST. Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đạt mức kỷ lục vào năm 2021 xét về giá trị giao dịch (1,5 tỷ USD) và số lượng các giao dịch (165), tăng đáng kể so với các năm trước đó, trước khi giảm xuống còn 634 triệu USD và 134 giao dịch trong năm 2022, do dòng vốn trên toàn cầu bị thắt chặt. Mặc dù vậy, quy mô chung của thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore và Indonesia. So với mức đỉnh 165 giao dịch tại Việt Nam vào năm 2021, Singapore đạt đến 303 giao dịch.

Khảo sát doanh nghiệp KNĐMST năm 2023 của WB cho biết, chỉ có 15% doanh nghiệp tham gia được nhận vốn đầu tư mạo hiểm trước khi ra mắt sản phẩm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ các doanh nghiệp tự huy động vốn hoặc tiếp nhận đầu tư của người thân và bạn bè trong giai đoạn phát triển ban đầu. Tình trạng thiếu vốn ở giai đoạn ban đầu là thách thức lớn hơn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên phần cứng, vì họ cần nhiều vốn hơn để phát triển các sản phẩm khả thi tối thiểu. Thiếu hụt "dòng vốn kiên nhẫn" - dòng vốn mà các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư dài hạn hơn, thường là quá 5 năm, cũng được ghi nhận. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam đang tập trung vào phần mềm và các mô hình sao chép ý tưởng nhằm nội địa hóa ý tưởng kinh doanh cho thị trường Việt Nam; chưa có nhiều nhà đầu tư mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng dài hạn, hoặc các doanh nghiệp có công nghệ/mô hình kinh doanh quá mới mẻ.

Khó khăn trong tìm kiếm lao động phù hợp

Báo cáo của WB cho rằng, hoạt động NC&PT ở khu vực Nhà nước chưa nổi bật và có đặc điểm là chất lượng thấp và ít liên quan đến khu vực tư nhân. Tỷ lệ phân bổ ngân sách cho NC&PT của Nhà nước ở các trường đại học và viện nghiên cứu công lập tính trên tổng chi tiêu cho NC&PT đã và đang giảm đáng kể trong thập kỷ qua, từ 74 xuống còn 72% trong giai đoạn 2011-2019. Bên cạnh đó, sản phẩm nghiên cứu của các viện nghiên cứu thuộc Nhà nước chưa theo định hướng thị trường do chưa có động lực và thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp.

“Mặc dù đã có những tiến triển về khả năng tiếp cận giáo dục, nhưng các trường đại học và cơ sở đào tạo chưa thực chất chuẩn bị để người lao động tương lai tham gia vào các vị trí việc làm ở những lĩnh vực công nghệ cao” - Báo cáo của WB nhận định. Qua bằng chứng phân tích gần đây của WB, 80% các tổ chức đào tạo tham gia khảo sát cho rằng, sinh viên tốt nghiệp của họ đã được chuẩn bị đầy đủ cho các vị trí công việc ban đầu, nhưng chưa đến 40% đơn vị sử dụng lao động tham gia khảo sát cho rằng, sinh viên mới tốt nghiệp đã sẵn sàng, nhất là cho các vị trí việc làm đòi hỏi kỹ năng cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2021 xếp Việt Nam đứng thứ 127/140 quốc gia/vùng lãnh thổ về kỹ năng phù hợp với ngành nghề của người tốt nghiệp đại học. Các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn của WB cho rằng, các trường đại học đã làm tốt việc tạo ra những tài năng về lập trình và kỹ thuật, nhưng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng chưa có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm các vị trí việc làm trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ nano và trí tuệ nhân tạo (AI).

Các sinh viên kỹ thuật và khoa học máy tính thường được các doanh nghiệp tuyển dụng trước khi nhận bằng.

Chính vì sinh viên ra trường chưa đáp ứng ngay được các vị trí việc làm trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, nên doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả doanh nghiệp KNĐMST cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có những kỹ năng nền phù hợp cho ĐMST. Qua khảo sát doanh nghiệp phục vụ đánh giá PCI năm 2021, 27% người trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ quản lý và kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Trong số 200 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khảo sát doanh nghiệp KNĐMST của WB năm 2023, có 44% cho rằng, rất vất vả mới có thể tuyển dụng được nhân sự có kỹ năng và trình độ phù hợp. Đây cũng là lý do mà các sinh viên kỹ thuật và khoa học máy tính thường được tuyển dụng trước khi nhận bằng.

Báo cáo của WB cũng cho biết, 37% các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Người trả lời cũng cho biết về tình trạng khan hiếm lao động có các kỹ năng quản lý sản phẩm, phát triển kinh doanh và marketing, đặc biệt là lao động ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, như tổng giám đốc điều hành, tổng giám đốc hoạt động, tổng giám đốc tài chính và tổng giám đốc công nghệ. Mặc dù các vị trí lãnh đạo như vậy khá phổ biến trong các ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đang tăng trưởng, nhưng chủ yếu do người nước ngoài chiếm lĩnh. Điều này làm hạn chế nguồn cung và khả năng di chuyển của nhân tài quản lý trong nước đối với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Khó khăn về thủ tục hành chính

Mặc dù môi trường kinh doanh gần đây đã được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KNĐMST ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức liên quan đến thủ tục hành chính. Trong khi chi phí thành lập doanh nghiệp chỉ cao hơn một chút so với mức bình quân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và thấp hơn so với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác, nhưng các thủ tục xin giấy phép con lại gây phiền hà cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp KNĐMST.

Báo cáo của WB cho biết, các doanh nghiệp ở Việt Nam phải xin một hoặc nhiều giấy phép con trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện mới có thể tham gia một lĩnh vực bất kỳ trong số trên 200 ngành, lĩnh vực kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư, điều này có thể làm phát sinh gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính đáng kể cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, công nghệ sinh học và y tế. Khảo sát PCI năm 2021 cho thấy, 22% các doanh nghiệp cho biết những khó khăn trong việc xin giấy phép con dẫn đến chậm trễ hoặc phải hủy bỏ kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Tham nhũng vặt cũng diễn ra phổ biến trong quá trình cấp giấy phép con cho doanh nghiệp, trong đó 61% các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI năm 2021 cho biết họ phải trả những khoản phi chính thức trong quá trình xin giấy phép con. Trong số các doanh nghiệp trả lời Khảo sát doanh nghiệp KNĐMST năm 2023 của WB, 65% đưa ra quan điểm không tích cực đối với các quy định kinh doanh của Việt Nam.

Các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư được nhóm khảo sát của WB phỏng vấn đã chỉ ra một số hoạt động như lưu trữ dữ liệu y tế hoặc sử dụng không gian công cộng cho hạ tầng sạc phương tiện giao thông đang rơi vào tình trạng lúng túng về quy định pháp luật, không có cơ quan nhà nước hoặc đối tác đầu mối để tìm hiểu. Các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong các vùng xám quy định phải đối mặt với những rủi ro pháp lý cũng là rào cản đối với một số quỹ khi họ muốn đầu tư vào các mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, y tế, logistics và giáo dục.

*

*       *

Mặc dù tại Việt Nam, doanh nghiệp KNĐMST có mức tăng trưởng về số lượng cao, nhưng nhìn chung năng suất còn thấp. Điều này có thể ảnh hưởng đến mong mỏi trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cần tiến hành các biện pháp trên nhiều mặt nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp KNĐMST, giảm thiếu hụt nguồn tài chính cho ĐMST, loại bỏ rào cản gia nhập và phát triển. Bên cạnh đó, cần tái định hướng cho hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ và các giải pháp số, đầu tư vào NC&PT, phát triển kỹ năng, cải thiện năng lực quản trị và tiếp cận tài chính.

VH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)