Thứ tư, 24/05/2023 14:25

Logistic ngày càng đóng vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành hậu cần logistics là một trong những khâu quan trọng đóng góp hiệu quả đến việc quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến dòng chảy của hàng hóa, dịch vụ cũng như các thông tin liên quan. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là công nghệ số, logistics ngày càng đóng vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo: “Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistic hiện đại, bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Cơ hội và thách thức

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Quang Trung cho biết, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam (tốc độ bình quân 14-16%/năm), quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định. Sự bùng nổ của thương mại điện tử ở cả 2 chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đã giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “Ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể… Hiện nay, mới có khoảng 40% doanh nghiệp đang tích cực ứng dụng thành tựu KH&CN vào hoạt động tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Tư duy, nhận thức, tập quán trong quá trình giao dịch với các chủ thể cũng là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Việc chuyển đổi công nghệ, đầu tư ứng dụng thành tựu KH&CN vào lĩnh vực này còn chưa được các doanh nghiệp chú trọng (ngay ở các cảng trung chuyển, tập quán giao nhận thông thường cũng đang có sự xung đột với các quy trình vận hành mới do sự khác nhau giữa các đơn vị quản lý, thậm chí có sự khác biệt giữa các vùng/miền). Bên cạnh đó, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ lĩnh vực logistic còn chưa đồng bộ, hạ tầng chưa hoàn thiện…, dẫn đến sự hạn chế so với tiềm năng phát triển.

Tận dụng thành tựu KH&CN để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam là cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để có thể tận dụng được lợi thế của KH&CN và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Có thể nhận thấy, CMCN 4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống - xã hội, cuộc cách mạng này vừa đem lại những thách thức và cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi, nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) có đề cập đến lĩnh vực logistics. Theo đó, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2025 là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics. Thống kê cho thấy, những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đưa kết quả xuất, nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ ngày càng gia tăng (năm 2022 đạt mức 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021). Để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển logistisc, nhất là trong xu hướng phát triển của thương mại điện tử. Với những yêu cầu của logistisc và thương mại điện tử trong tương lai, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là đầu mối của ngành, phối hợp với các bộ/ngành, địa phương xây dựng chính sách ưu đãi cũng như khuyến khích các doanh nghiệp (cả doanh nghiệp trong và ngoài nước). Ông Phan Văn Chinh cho rằng, chuyển đổi số là việc của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị; tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số cần có sự phối hợp của tất cả các đơn vị để tạo ra sự lan toả, thúc đẩy chuyển đổi số thành công.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Trợ lý ảo (Chatbot Pi) của Tân Cảng Sài Gòn được học máy 25 kịch bản, 301 bước quy trình, 4.532 câu mẫu để trả lời tự động cho khách hàng. Với kiến thức được trang bị đó, Chatbot Pi có thể trả lời ngay lập tức các vấn đề của khách hàng với tỷ lệ 100% khách hàng liên hệ đều nhận được phản hồi. Hiện trợ lý ảo Chatbot Pi đã xuất hiện trên ePort và fanpage, hỗ trợ giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin cho khách hàng, giúp giảm bớt thời gian, công sức cho tư vấn viên của trung tâm chăm sóc khách hàng và nâng tầm chất lượng dịch vụ của Tổng công ty. Trong tương lai, để đáp ứng yêu cầu phát triển, Tổng công ty sẽ tích hợp thêm các công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel) nhằm đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất trong ngành khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển logistics hiện đại và bền vững, Chính phủ và các bộ/ngành có liên quan cần rà soát lại các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, đặc biệt cần có chính sách tiêu chuẩn logistics chung của quốc gia, đảm bảo sự kết nối đồng bộ tất cả các tiêu chuẩn phần mềm và phần cứng của hệ thống logistics và giao thông nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để liên kết các nguồn lực xã hội, đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai.

Xuân Diện - Việt Anh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)