Thứ năm, 20/04/2023 15:44

Cần Thơ: Ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Ðể minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống công cụ phục vụ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa dựa trên mã QR và cổng thông tin điện tử: check.cantho.gov.vn, góp phần chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Xu hướng thời hội nhập

Ứng dụng thành tựu KH&CN, trong đó có công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và áp dụng các công nghệ thu thập dữ liệu trên nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đang trở thành xu hướng tất yếu của quá trình sản xuất. Đặc biệt, khi Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... thì yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa càng trở nên cần thiết.

Đối với người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Đối với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là "bức tường" bảo vệ uy tín sản phẩm và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không chỉ chinh phục thị trường trong nước, mà còn hướng đến chinh phục thị trường quốc tế - vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.

QR và Check.cantho.gov.vn

Cần Thơ là TP trực thuộc Trung ương, đồng thời là trung tâm phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trên 90% doanh nghiệp ở Cần Thơ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, trình độ công nghệ còn lạc hậu... Để trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững và tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá. Trước yêu cầu đó, Sở KH&CN TP Cần Thơ đã giao Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”.

Sau 2 năm triển khai thực hiện (2021-2022), Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã xây dựng thành công hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa dựa trên mã QRCode. Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa của TP Cần Thơ được thiết lập bởi 1 module tổng của TP và giao cho Sở KH&CN quản lý*. Dưới module của TP là modul dành cho các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Y tế; tiếp theo là module dành cho các quận/huyện; sau đó là module dành cho nhà sản xuất, doanh nghiệp, các cửa hàng và cuối cùng là kết nối với người tiêu dùng thông qua mã truy xuất và điện thoại thông minh. Với mô hình cấu trúc cơ sở dữ liệu này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có thể dùng chung một hệ thống truy xuất nguồn gốc; TP dễ dàng nắm bắt toàn bộ thông tin, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; thống kê số lượng sản phẩm của doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; dự báo sản lượng theo thời gian, mùa vụ phục vụ hoạt động quản lý và đảm bảo an ninh thương mại điện tử...

Đặc biệt, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN xây dựng còn có các tính năng nổi bật như sử dụng công nghệ CheckVN, tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc và theo tiêu chuẩn của Hiệp hội mã số châu Âu (GS1), có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý truy xuất quốc gia và quốc tế.

Lợi ích mang lại

Thành công của dự án đã góp phần đưa ra cách tiếp cận mới khi áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc dùng chung; giúp hình thành các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, y tế theo dòng thời gian thực với nhiều ngôn ngữ đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đối với việc chuyển đổi số: đã xây dựng được hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc với sản xuất thực, phục vụ công tác quản lý nhà nước về sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với lĩnh vực truy xuất nguồn gốc: đã thống nhất quy trình, cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc, hệ thống công nghệ thông tin cho TP; giúp đồng bộ về mặt công nghệ, dữ liệu dùng chung cho các quận/huyện đến các xã/phường, đáp ứng yêu cầu chung về truy xuất nguồn gốc và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của TP trong hội nhập kinh tế.

Đối với các tổ chức: dễ dàng phát hiện, xử lý nếu có sự cố xảy ra, từ đó kiểm soát tốt chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm; giới hạn được phạm vi thu hồi sản phẩm và thu hồi nhanh chóng sản phẩm khi có những phản ánh không tốt từ phía khách hàng; giúp doanh nghiệp có khả năng điều chỉnh sản xuất một cách hợp lý nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm (nếu có sai sót). Bên cạnh việc tăng hiệu quả quản lý trong quá trình sản xuất nhờ có thông tin chi tiết cho từng lô hàng như định mức sản xuất cho từng vùng nguyên liệu, mùa vụ..., hệ thống còn tạo sự minh bạch cho sản phẩm và chuỗi thông tin từ vùng nuôi/khai thác đến người tiêu dùng, đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật ngày càng cao của quốc tế.

Đối với người tiêu dùng: khi chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin hàng hóa, sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có xu hướng ưu tiên sử dụng những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, qua đó góp phần làm thay đổi tư duy của không ít người dân trong nền tri thức số hóa hiện nay.

*

*            *

Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang trở thành tiêu chí bắt buộc. Việc truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa của TP Cần Thơ trong quá trình hội nhập và phát triển.

* UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 15/2/2023 về việc công nhận Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa TP Cần Thơ.

 

Trần Thế Duy

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)