Thứ năm, 22/12/2022 15:52

Nâng cao giá trị nghề sản xuất hàu giống tại Kim Sơn, Ninh Bình

Hiện nay, sản xuất hàu giống ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang được chú trọng đầu tư phát triển nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi và những giá trị kinh tế mà sản phẩm này mang lại cho người dân. Nhằm nâng cao giá trị nghề sản xuất hàu cũng như đời sống kinh tế của người dân địa phương, góp phần tạo nên công cụ hiệu quả để quản lý và phát triển thương hiệu cho một trong những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh gắn liền với địa danh Kim Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK triển khai thực hiện Dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” cho sản phẩm hàu giống của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tiềm năng sản xuất hàu giống của vùng ven biển Kim Sơn

Huyện Kim Sơn có vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng. Trong số các loài thủy sản đang được chú trọng phát triển, hàu giống là một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn của địa phương xuất phát từ việc nắm bắt được xu thế phát triển chung của thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh từ tự nhiên. Nhờ đặc trưng về thời tiết, khí hậu và đặc biệt là cấu tạo của khu vực địa lý bãi bồi được thiên nhiên kiến tạo hết sức đặc biệt, nguồn nước ngọt từ các hệ thống sông đổ ra biển thông qua các cửa sông, kết hợp với nguồn nước mặn từ biển hình thành nên vùng bãi bồi, nơi giao thoa giữa 2 nguồn nước mặn - ngọt này tạo nên nguồn nước lợ với độ mặn quanh năm dao động từ 3 (mùa mưa) - 17‰ (mùa khô). Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của nghề nuôi hàu giống.

Mặc dù Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang… được biết đến là những vùng nuôi hàu thương phẩm nổi tiếng trên cả nước, nhưng nguồn nước tại các khu vực này lại không thích hợp cho hàu mẹ sinh sản, ấu trùng hàu, hàu bột, hàu cám phát triển. Bởi lẽ, hàu mẹ sinh sản và ấu trùng hàu chỉ phát triển trong môi trường nước lợ với độ mặn 10-20‰ trong khi nguồn nước ở các vùng nuôi trên có độ mặn khá cao (> 25‰), độ mặn này chỉ thích hợp với đặc điểm sinh thái và vòng đời sinh trưởng, phát triển của con hàu.

Tuy nghề nuôi hàu giống tại Kim Sơn chỉ mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng đây lại là vùng nuôi hàu có tốc độ tăng trưởng đáng kể, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Theo thống kê trong năm 2020, doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt 350 tỷ đồng, nhiều hộ nuôi hàu giống có thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/vụ, cùng với đó là số cơ sở trại giống, sản lượng cũng như doanh thu tăng vọt, góp phần giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc tìm giải pháp nâng cao hơn nữa giá trị, đóng góp kinh tế của sản phẩm hàu giống trên địa bàn huyện Kim Sơn là hết sức cần thiết.

Tình hình bảo hộ thương hiệu cộng đồng tại tỉnh Ninh Bình

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Tuy vậy, việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản nói chung, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu nói riêng còn rất hạn chế. Theo thống kê của ngành Công Thương, riêng đối với nhãn hiệu, hiện nay có đến hơn 80% các mặt hàng nông sản của nước ta chưa được xây dựng nhãn hiệu; điều đó đã làm giảm sức cạnh tranh, đồng thời làm hạn chế sự tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu.

Nhằm phát huy hơn nữa giá trị của công cụ sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/08/2019 phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, mở đường cho hàng loạt chiến lược sở hữu trí tuệ của địa phương. Không nằm ngoài xu thế đó, Ninh Bình cũng là một trong những địa phương rất quan tâm và nỗ lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn và đã đạt được kết quả thành công đáng kể so với các tỉnh trong khu vực phía Bắc. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức thương hiệu cộng đồng (bao gồm nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý) đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như: ngao Kim Sơn, gạo Hương Bình, cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến vua, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, cơm cháy Ninh Bình, đào phai Tam Điệp, chè Trại Quang sỏi, mật ong Cúc Phương, chạch tả Ninh Bình, nem chua Yên Mạc, nếp hạt cau Ninh Bình, trong đó 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là dứa Đồng Giao và dê núi Ninh Bình. Các sản phẩm được bảo hộ bước đầu đã tăng giá trị 5-15%, góp phần mở rộng sản xuất, khẳng định được thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình.

Từ các ví dụ trên, có thể thấy được những tác động tích cực của các thương hiệu cộng đồng trong việc nâng cao giá trị và danh tiếng sản phẩm chủ lực, có tiềm năng phát triển của địa phương; từ đó cho thấy việc việc xây dựng thương hiệu cộng đồng  cho sản phẩm hàu giống để nâng cao hơn nữa danh tiếng, giá trị kinh tế và chất lượng của  sản phẩm đã và đang thể hiện được tiềm năng và vị trí quan trọng đối với kinh tế địa phương là có tính khả thi và hiệu quả.

Sự cần thiết phải xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn”

Nghề nuôi hàu giống đang mở ra cơ hội làm giàu rất lớn cho người dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn phải đối diện với một số khó khăn dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao, chưa khai thác hết được hiệu quả tiềm năng vốn có của vùng. Cụ thể, công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế như các cơ sở dịch vụ giống thủy sản còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết và trách nhiệm với người nuôi; việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống hạ tầng xử lý nước sạch chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất hàu giống tại huyện Kim Sơn chủ yếu mang tính tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các hộ dân còn nặng tính kinh nghiệm, thiếu áp dụng các tiến bộ khoa học và các quy trình sản xuất hiện đại; người tham gia sản xuất chưa được đào tạo bài bản và thống nhất trong bối cảnh nghề nuôi hàu giống chỉ mới xuất hiện gần đây tại huyện Kim Sơn; và hiện nay địa phương vẫn chưa có điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo chuyển đổi nghề nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn.

Nhằm góp phần hạn chế những bất cập đang tồn tại liên quan đến hoạt động quản lý hoạt động sản xuất hàu giống trên địa bàn, đồng thời phát huy giá trị của công cụ sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu chứng nhận nói riêng để nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm hàu giống, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã ký hợp đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK và phối hợp với UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện Dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” cho sản phẩm hàu giống của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Sau thời gian tiến hành các hoạt động khảo sát, thu thập thông tin và tổng hợp để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nộp đơn, ngày 28/01/2022, UBND huyện Kim Sơn đã chính thức nộp đơn số 4-2022-03619 đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” cho sản phẩm hàu giống của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đơn được chấp nhận hợp lệ theo Quyết định số 34323/QĐ-SHTT ngày 25/04/2022 và được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp theo quy định.

Sau khi hoàn thành, các sản phẩm của dự án sẽ được chuyển giao cho UBND huyện Kim Sơn - đơn vị thụ hưởng để tiến hành hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” trên thực tế. Kết quả thực hiện dự án tạo cơ sở pháp lý để UBND huyện Kim Sơn tiến hành kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng danh tiếng sản phẩm hàu giống của huyện Kim Sơn để bán các sản phẩm hàu giống giả mạo nguồn gốc xuất xứ Kim Sơn, sản phẩm hàu giống kém chất lượng gây tổn hại đến uy tín của hàu giống mang nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” trên thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm thủy sản, nhất là sản phẩm hàu giống - sản phẩm chủ lực của huyện vùng biển Kim Sơn, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, doanh nghiệp và góp phần cải thiện kinh tế của huyện và tỉnh.

Lê Văn Vĩnh (Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu Trí tuệ CIPTEK)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)