Thứ ba, 15/11/2022 00:52

Quyền tinh thần (thuộc quyền tác giả) trong Luật sở hữu trí tuệ 2022

Luật sư Lê Quang Vinh

Công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự

Quyền tác giả được chia thành quyền nhân thân (quyền tinh thần) và quyền kinh tế (quyền tài sản). Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005 sửa đổi lần 3 (gọi tắt là “Luật SHTT 2022”) được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022. Trong đó, có các thay đổi quan trọng về quyền tinh thần thuộc quyền tác giả.

Định nghĩa tác giả, đồng tác giả

Luật SHTT 2022 lần đầu định nghĩa tác giả, đồng tác giả. Theo đó, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Đồng tác giả chỉ được công nhận khi và chỉ khi nhiều hơn 2 người cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm với điều kiện sự đóng góp của họ cho tác phẩm được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh. Luật SHTT 2022 không công nhận tư cách tác giả, đồng tác giả đối với người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm. Trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật có quy định khác, Luật SHTT 2022 quy định việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả

Sửa đổi nội dung quyền tinh thần

Quyền tinh thần là quyền mang tính phi vật chất và được bảo hộ theo Luật SHTT 2005 gồm 4 quyền độc quyền: (i) Đặt tên cho tác phẩm; (ii) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; (iii) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; (iv) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Ngoại trừ quyền công bố có thể chuyển giao và được bảo hộ có thời hạn, 3 quyền nhân thân còn lại được pháp luật bảo hộ vô thời hạn và không thể chuyển giao.

Luật SHTT 2022 hạn chế thuộc tính không thể chuyển giao của quyền đặt tên cho tác phẩm bằng quy định rằng, tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Luật SHTT 2022 dường như ngụ ý xác định lại bản chất bảo hộ của quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm để làm giảm thiểu khả năng xung đột với quyền tài sản, đặc biệt là với quyền làm tác phẩm phái sinh. Cụ thể, Điều 19.4 sửa đổi đưa yếu tố “xuyên tạc” đứng ngay liền sau cụm từ “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” và sau đó tiếp tục thay yếu tố “sữa chữa” thành “sửa đổi”.

Giải quyết xung đột giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền tài sản

Quyền làm tác phẩm phái sinh là 1 trong 6 quyền tài sản mang tính độc quyền được bảo hộ có thời hạn và có thể chuyển giao. Làm tác phẩm phái sinh thường được hiểu là hoạt động biến đổi (chẳng hạn như dịch thuật, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) một tác phẩm có trước thành một tác phẩm mới mang dấu ấn của tác giả mới nhưng tác phẩm mới vẫn có khả năng thể hiện mối liên hệ với tác phẩm có trước. Luật SHTT 2005 quy định tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Có vẻ như Luật SHTT 2022 nỗ lực tìm cách giải quyết xung đột giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm khi lần đầu quy định rằng, làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm ở Điều 19.4 phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

Quyền tinh thần đối với tác phẩm điện ảnh

Luật SHTT 2005 cho phép nhiều vị trí khác nhau (ví dụ: đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo) khi tạo ra tác phẩm điện ảnh nắm toàn bộ quyền nhân thân (trừ quyền công bố). Tuy nhiên, Luật SHTT 2022 xác định lại tư cách thụ hưởng quyền nhân thân đối với tác phẩm điện ảnh nhằm mục đích hạn chế bớt tính chất tuyệt đối của nó. Cụ thể, Luật SHTT 2022 quy định tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu quyền tác giả nắm toàn bộ các quyền tài sản và một quyền nhân thân duy nhất - quyền công bố, trừ khi các bên có thỏa thuận khác bằng văn bản. Để giảm thiểu khả năng xung đột với các quyền nhân thân còn lại, Luật SHTT 2022 cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính này có thể thỏa thuận với biên kịch, đạo diễn về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm.

Luật SHTT 2022 quy định rằng, các tác giả (không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả) tham gia quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh chỉ được hưởng một quyền nhân thân (Điều 19.2) là quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

Luật SHTT 2022 cũng quy định trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.

Quyền tinh thần đối với tác phẩm sân khấu

Luật SHTT 2005 trao đầy đủ quyền nhân thân (trừ quyền công bố) cho nhiều chủ thể cá nhân (các chủ thể này không phải là chủ sở hữu quyền tác giả) tham gia công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu. Tuy nhiên, Luật SHTT 2022 chỉ trao tư cách thụ hưởng đầy đủ quyền nhân thân (trừ quyền công bố) cho tác giả kịch bản sân khấu, trong khi các tác giả tác phẩm văn học, tác giả tác phẩm âm nhạc, chủ thể cá nhân tham gia đạo diễn, chỉ huy âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, phục trang và chủ thể cá nhân tham gia công việc khác có tính sáng tạo chỉ được thụ hưởng một quyền nhân thân là quyền đứng tên và được nêu tên khi tác phẩm được sử dụng, công bố. Cũng cần lưu ý rằng, trường hợp tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm sân khấu được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác bằng văn bản.

Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu toàn bộ các quyền tài sản và một quyền nhân thân (quyền công bố), trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Tương tự như tác phẩm điện ảnh, Luật SHTT 2022 ngụ ý cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận với tác giả kịch bản sân khấu liên quan đến đặt tên hoặc sửa đổi tác phẩm sân khấu.

Quyền tinh thần đối với chương trình máy tính

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Để giảm thiểu khả năng xung đột giữa quyền nhân thân và quyền tài sản, Luật SHTT 2022 cho phép tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)