Thứ hai, 05/09/2022 08:17

Lá nhân tạo sản xuất nhiên liệu sạch từ nước và ánh sáng mặt trời

Khi các công nghệ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời ngày càng được ứng dụng phổ biến thì khoảng 80% tàu thuyền vẫn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Gần đây, nhóm nghiên cứu của GS Erwin Reisner tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát triển các giải pháp bền vững về nhiên liệu mô phỏng các nguyên tắc quang hợp của lá cây.

Vào năm 2019, nhóm đã phát triển một loại lá nhân tạo, tạo ra khí tổng hợp từ ánh sáng mặt trời, carbon dioxide và nước. Lá nhân tạo này có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất nhiên liệu, nhưng mang thiết kế nặng và dễ vỡ nên khó đưa vào sản xuất và vận chuyển ở quy mô lớn.

Mới đây, nhóm đã tập trung nghiên cứu các vật liệu và oxit kim loại màng mỏng được gọi là perovskite (tên một loại quặng gồm canxi, titan và oxy), có thể được phủ lên nhựa dẻo và lá kim loại. Kết quả, họ đã tạo nên một thiết bị siêu mỏng, nhẹ, linh hoạt, không ngấm nước, nổi trên mặt nước giống như một chiếc lá thật. Trong các thử nghiệm, lá nhân tạo này có thể tách nước thành hydro và oxy, hoặc khử CO2 thành khí tổng hợp. Những chiếc lá này kết hợp các ưu điểm của hầu hết công nghệ năng lượng mặt trời. Đặc biệt, lá nhân tạo có thể hoạt động theo cơ chế tự hành, là giải pháp thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch mà không chiếm không gian trên đất liền.

Thành công của nghiên cứu đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc sản xuất nhiên liệu sạch từ nước và ánh sáng mặt trời. Nếu được mở rộng quy mô, thiết bị có thể được sử dụng trên các tuyến đường thủy, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của ngành vận tải biển trên phạm vi toàn cầu. 

Mai Văn Thủy (theo techxplore.com)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)