Thứ hai, 19/09/2022 14:00

Quy định về “sử dụng hợp lý” tác phẩm: Góc nhìn so sánh từ pháp luật Vương quốc Anh và Việt Nam

TS Lê Vũ Vân Anh

Đại học Oxford, Vương quốc Anh

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam sửa đổi năm 2022 đã có một sự thay đổi lớn đối với ngoại lệ của quyền tác giả tại Điều 25. Các biện pháp này thường được biết đến dưới tên gọi “sử dụng hợp lý” (fair dealing) ở các nước như Vương quốc Anh, Úc, Ấn Độ… hay “fair use” ở Hoa Kỳ. Có thể nói, “fair use”/“fair dealing” là một khái niệm “cũ người mới ta” vì các quy định này đã có từ lâu ở nhiều nước. Sử dụng tác phẩm như thế nào là “hợp lý” là một câu hỏi không dễ trả lời. Bài viết phân tích khái niệm “fair dealing” ở Vương quốc Anh và so sánh với Luật SHTT Việt Nam để các nhà làm luật quốc gia, nhà nghiên cứu và thẩm phán có thể tham khảo khi áp dụng vào thực tiễn.

Mở đầu

Pháp luật về quyền tác giả bảo vệ các tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh, bản ghi âm, bố cục sách và chương trình phát sóng. Nếu ai đó muốn sao chép hoặc sử dụng một tác phẩm được bảo hộ thì họ phải xin phép chủ sở hữu. Để cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo và người dùng, pháp luật quy định những ngoại lệ (exceptions) mà người dùng có thể sao chép hoặc sử dụng một phần hoặc toàn bộ một tác phẩm mà không cần trả tiền1. Các biện pháp này thường được biết đến dưới tên gọi “sử dụng hợp lý” - fair dealing ở các nước như Anh, Úc, Ấn Độ… hay “fair use” ở Hoa Kỳ.

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (1886) chỉ có một ngoại lệ bắt buộc đối với trích dẫn từ các tác phẩm “đã được phổ cập cho công chúng một cách hợp pháp, miễn sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ chính đáng và trong mức độ phù hợp với mục đích” - Điều 10(1). Tất cả những ngoại lệ còn lại của Công ước Berne tuỳ thuộc vào luật pháp của quốc gia thành viên, bao gồm sử dụng cho mục đích giảng dạy tại Điều 10(2) và sử dụng các tác phẩm để báo cáo các sự kiện hiện tại tại Điều 10bis(2).

Một quy định nổi tiếng khác là Điều 9(2) - phép thử “ba bước” (three-step test) để đưa ra các ngoại lệ đối với quyền sao chép. Tuy nhiên, Điều 9(2) đã được mở rộng thông qua Điều 13 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với tất cả các quyền độc quyền chứ không chỉ giới hạn ở quyền sao chép, và theo Điều 10 của Hiệp ước Bản quyền WIPO 1996, Điều 16 của Hiệp ước Bản ghi âm và Biểu diễn WIPO 1996.

Luật SHTT Việt Nam sửa đổi năm 2022 đã có một sự thay đổi lớn đối với ngoại lệ (Điều 25 và 25a) và giới hạn quyền tác giả (Điều 26). Trong phạm vi hiểu biết của tác giả, đây là một trong số ít bộ luật SHTT trên thế giới có sự phân biệt rõ ràng về “ngoại lệ” và “giới hạn” thể hiện rõ ngay trong tên gọi. Sự phân biệt như vậy là một bước tiến bộ trong lập pháp, giúp Luật SHTT dễ hiểu hơn đối với công chúng và do đó dễ áp dụng hơn.

Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung vào Điều 25 (cụ thể hơn là các Điều 25.1(b), 25.1(c) và 25.1(đ)) vì điều khoản này có nội hàm gần nhất với các quy định quốc tế về “fair dealing”/“fair use”. Đầu tiên, Điều 25 đã được đổi tên từ “Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao” thành “Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả”, nêu rõ tính chất ngoại lệ của việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ. Thứ hai, ngôn ngữ lập pháp ở Điều 25 phản ánh rõ tính chất “fair use”/“fair dealing” khi các nhà làm luật sử dụng các thuật ngữ như “sao chép hợp lý”2, “sử dụng hợp lý”3 và “trích dẫn hợp lý”4.

Có thể nói, “fair use”/“fair dealing” là một khái niệm “cũ người mới ta” trong pháp luật về quyền tác giả, vì chúng đã có từ lâu trong luật pháp nhiều nước. Như thế nào là “hợp lý” không phải một câu hỏi dễ trả lời. Bài viết sẽ phân tích khái niệm “fair dealing” của Vương quốc Anh và so sánh với luật pháp Việt Nam nhằm cung cấp cho các nhà làm luật quốc gia, nhà nghiên cứu và thẩm phán có thể tham khảo khi áp dụng vào thực tiễn. Để phù hợp với mục đích so sánh, thuật ngữ “sử dụng hợp lý” được dùng để chỉ chung cho các ngoại lệ tại Điều 25 của Luật SHTT trong suốt bài viết.

Fair dealing theo quy định của Vương quốc Anh

Đầu tiên phải khẳng định rằng, “fair dealing” chưa bao giờ được định nghĩa trong Đạo luật Bản quyền, kiểu dáng và sáng chế năm 1988 của Vương quốc Anh (Copyright, Designs and Patents Act 1988 - CDPA 1988). Thay vào đó, CDPA 1988 giới hạn chặt chẽ “fair dealing” trong các trường hợp sau: i) Nghiên cứu hay học tập phục vụ cho mục đích cá nhân (research or private study)5, ii) Phê bình, đánh giá, trích dẫn và đưa tin (Criticism, reviews, quotes and news reporting)6, iii) Biếm họa, nhại lại hoặc chế nhạo (caricature, parody or pastiche)7, iv) Minh họa để hướng dẫn cho mục đích giáo dục (illustration for instruction)8.

Việc đưa ra một danh sách đóng như vậy có nghĩa rằng, chỉ có những hành vi được liệt kê bên trên mới được xem là “fair dealing”. Nếu việc sử dụng có thể hợp lý nhưng cho một mục đích không được quy định trong CDPA 1988 hoặc một mục đích hợp lý chung chung, các quy định về “fair dealing” sẽ không được áp dụng. Cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với ngoại lệ “fair use” ở Mục 107 của Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ khi Mục 107 đưa ra 4 yếu tố để thẩm phán đánh giá liệu việc sử dụng tác phẩm bảo hộ không xin phép có được xem là ngoại lệ hay không9.

Theo quy định của CDPA, sau khi xác định việc sử dụng thuộc một trong những mục đích cụ thể nêu trên, câu hỏi tiếp theo là việc sử dụng (dealing) như vậy có “hợp lý” hay không. “Hợp lý” hay “fairness” là một câu hỏi mang tính định tính, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, về mức độ và ấn tượng của việc sử dụng. Tòa án đôi khi xem xét tính “hợp lý” bằng cách đặt câu hỏi liệu một “người có tư tưởng hợp lý và trung thực” có coi việc sử dụng như vậy là hợp lý hay không. Lord Phillips đã tuyên bố trong vụ việc Ashdown v Telegraph Group Ltd [2002] Ch 149 rằng: “Điều cần thiết là... không áp dụng các bài thử nghiệm một cách thiếu linh hoạt dựa trên tiền lệ, nhưng hãy nhớ rằng việc cân nhắc lợi ích công là điều tối quan trọng”.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá tính “hợp lý” như mức độ sử dụng tác phẩm được bảo hộ nhiều hay ít, hành vi sử dụng tác phẩm, hậu quả của việc sử dụng, liệu rằng tác phẩm đã được công bố hay chưa, người sử dụng đã có được tác phẩm như thế nào, động cơ của việc sử dụng, và liệu rằng mục đích sử dụng có thể đạt được bằng cách khác hay không. Tuy nhiên, vai trò của các yếu tố sẽ thay đổi tùy trường hợp.

So sánh với quy định về “sử dụng hợp lý” theo pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, “sử dụng hợp lý” được áp dụng cho: i) nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại10, ii) minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy11, iii) trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo sử dụng trong ấn phẩm định kỳ; trong chương trình phát sóng, phim tài liệu12. So sánh với quy định của CDPA 1988, ta nhận thấy có 2 điểm giống nhau. Đó là, cả hai đều yêu cầu việc sử dụng “phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm” theo ngôn ngữ của Điều 25.1 hay phải có “sự thừa nhận đầy đủ” (sufficient acknowledgement) theo ngôn ngữ của CDPA 1988 đối với việc sử dụng. Quy định này tuân thủ Điều 10.3 của Công ước Berne. Bên cạnh đó, cả hai đều có quy định rất rõ ràng và không gây nhiều tranh cãi về nghiên cứu khoa học và học tập phục vụ cho mục đích cá nhân. Điều này chứng tỏ cả Việt Nam lẫn Vương quốc Anh đều coi trọng và tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học phát triển. Tuy nhiên, các điểm khác nhau giữa hai bên khá nhiều:

Một là, Việt Nam không quy định “biếm họa, nhại lại hoặc chế nhạo” là một hành vi “sử dụng hợp lý”. Điều này đã được tác giả bàn luận trong một bài viết trước đó13.

Hai là, CDPA 1988 cho phép “sự thừa nhận đầy đủ” về tên tác giả và xuất xứ tác phẩm được miễn thực hiện vì lý do thực tế hoặc lý do khác. Ngược lại, Việt Nam không có ngoại lệ tương đương.

Ba là, CDPA 1988 quy định “minh hoạ để hướng dẫn” phục vụ cho “mục đích giáo dục”, bao gồm “đặt câu hỏi thi, truyền đạt câu hỏi cho học sinh và trả lời các câu hỏi”14. Hơn nữa, bất cứ điều khoản hợp đồng nào hạn chế việc sử dụng nêu trên sẽ bị coi là vô hiệu15. Trong khi đó, quy định tương đương ở Việt Nam bị giới hạn ở “mục đích giảng dạy” và loại hình tác phẩm được sử dụng chỉ bao gồm “cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng”16. Chưa kể, quy định còn yêu cầu bảo đảm “chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng tài liệu và tính đến điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, “mục đích giảng dạy” nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ bao gồm hoạt động giảng bài tại lớp mà còn các hoạt động giáo dục khác, kể cả hoạt động ngoại khoá. Thêm vào đó, loại hình tác phẩm sử dụng nên được quy định mở để đảm bảo quyền tiếp cận kiến thức của học sinh - sinh viên và cho phép giáo viên/giảng viên đứng lớp đa dạng hoá hoạt động giảng dạy.

Bốn là, Luật SHTT Việt Nam không có quy định riêng về “sử dụng hợp lý” cho mục đích đưa tin mà thay vào đó cho phép “trích dẫn hợp lý” cho việc viết báo17. Ngược lại, Vương quốc Anh quy định rõ ràng cho việc đưa tin, bảo đảm lợi ích mà ở đó tự do ngôn luận là một thành phần quan trọng. Một điểm thú vị cần lưu ý là hình ảnh không được xem là “sử dụng hợp lý” cho đưa tin18. Điều này dựa trên lợi ích kinh tế của các nhiếp ảnh gia vì họ chỉ có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách bán toàn bộ bức ảnh. Khác với văn chương, chúng ta có thể trích xuất một đoạn ngắn, thậm chí một vài từ nhưng vẫn truyền tải được thông điệp. Trong khi đó, một bức ảnh được sử dụng cho một tờ báo hoặc một chương trình phát sóng, nó thường là toàn bộ. Áp dụng ngoại lệ đối với hình ảnh sẽ tước đi nguồn thu nhập quan trọng nhất của các nhiếp ảnh gia.

Năm là, Điều 25.1(đ) Luật SHTT Việt Nam yêu cần việc trích dẫn không làm sai ý tác giả, trong khi đó mục đích của ngoại lệ trích dẫn, đánh giá và bình luận nhằm bảo đảm tự do ngôn luận và tự do thể hiện sự sáng tạo. Cách tiếp cận của Việt Nam khác với Vương quốc Anh khi Tòa phúc thẩm trong vụ việc Pro Sieben Media AG v Carlton UK Television Ltd [1999] 1 WLR 605 khẳng định rằng, tòa án không quan tâm đến việc liệu bản thân những lời chỉ trích (criticsm) có “hợp lý” hay không, mà quan trọng là việc sử dụng tác phẩm gốc cho mục đích phê bình, đánh giá, có được thực hiện “hợp lý” hay không. Tác giả bài viết này cho rằng, cách tiếp cận như vậy khiến cán cân lợi ích cân bằng hơn vì tác giả của tác phẩm gốc đã có cơ chế bảo vệ chống lại những lời xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thông qua xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

Quan trọng hơn cả, các trường hợp ngoại lệ “phê bình, đánh giá và trích dẫn” theo CDPA chỉ được áp dụng khi tác phẩm đã được phổ biến đến công chúng thông qua việc phát hành các bản sao, hệ thống truy xuất điện tử, cho thuê hoặc cho mượn, buổi biểu diễn, triển lãm, trình chiếu hoặc trưng bày tác phẩm và truyền thông cho công chúng. Nếu tác phẩm chưa được phổ biến thì ngoại lệ sẽ không được áp dụng.

Thay lời kết

Theo phân tích ở trên, việc tiếp cận tinh hoa và tri thức của phần lớn người dân Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nếu các ngoại lệ được tiếp cận theo nghĩa hẹp. Do vậy, các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật SHTT về sau nên hướng dẫn áp dụng ngoại lệ về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập theo phạm vi rộng và cho phép nhiều loại hình tác phẩm được sử dụng hợp lý.

Việc cụ thể hoá các quy định sẽ khiến cho pháp luật khó được cập nhật khi có những phát sinh mới. Chẳng hạn, khái niệm “trích dẫn” thường được hiểu và áp dụng nhiều nhất đối với tác phẩm văn chương (literary works). Tuy nhiên, Toà án CJEU vào năm 2017 đã đồng ý rằng, “trích dẫn” có thể áp dụng đối với âm nhạc qua vụ việc Pelham Case C‑476/17. Trong một trường hợp như vậy, việc nêu tên và xuất xứ của tác giả lẫn tác phẩm là điều không thể. Với sự phát triển và sáng tạo vô hạn của nghệ thuật, “trích dẫn” có thể xảy ra đối với nghệ thuật thị giác, mỹ thuật, hình ảnh, đoạn phim… Nên chăng, các văn bản hướng dẫn sau này nên đưa ra một cách tiếp cận mở như trên?

Cần khẳng định lại một lần nữa, “sử dụng hợp lý” là một khái niệm định tính và các nhà làm luật sẽ không thể đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh cho khái niệm này. Thông qua phân tích nêu trên có thể thấy rằng, “sử dụng hợp lý” theo luật Việt Nam có phạm vi áp dụng hẹp hơn so với Vương quốc Anh. Hay nói cách khác, Việt Nam bảo hộ quyền lợi của chủ sở hữu mạnh hơn, ít nhất là trên quy định. Điều này đi ngược lại với thông lệ chung rằng mức độ bảo hộ SHTT thường tương ứng với điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, Luật SHTT sửa đổi đã có một bước tiến lớn, tiệm cận hơn với pháp luật quốc tế thông qua Điều 25. Thậm chí, ở một mức nào đó, Luật SHTT được sửa đổi năm 2022 đã đi một bước xa hơn so với nhiều nước khi có sự phân biệt rõ ràng giữa “ngoại lệ” và “giới hạn” quyền tác giả.

 

 

 

1 Bên cạnh ngoại lệ, luật quyền tác giả còn có những giới hạn (limitations), là các điều khoản cho phép người dùng thực hiện một hành động độc quyền, nhưng họ sẽ phải trả thù lao.

2 Điều 25.1(b), Luật SHTT.

3 Điều 25.1(c), Luật SHTT.

4 Điều 25.1(đ), Luật SHTT.

5 Mục 29, CDPA.

6 Mục 30, CDPA.

7 Mục 30A, CDPA.

8 Mục 32, CDPA.

9 Xem thêm tại:  https://vjst.vn/vjsta/tin-tuc/6615/che-dinh-parody--mot-ngoai-le-cua-luat-ban-quyen---truong-hop-cua-eu-va-hoa-ky.aspx.

10 Điều 25.1(b), Luật SHTT.

11 Điều 25.1(c), Luật SHTT.

12 Điều 25.1(đ), Luật SHTT

13 Xem chú thích 9.

14 Mục 32.2, CDPA

15 Mục 32.3, CDPA

16 Điều 25.1(c)

17 Điều 25.1(đ), Luật SHTT.

18 Mục 30.2, CDPA.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)