Thứ tư, 17/08/2022 15:00

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Những tác động tích cực, vướng mắc và định hướng sửa đổi, bổ sung

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang dự thảo và xin ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT). Theo cơ quan soạn thảo, Luật TC&QCKT được ban hành năm 2006 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về TC&QCKT của nước ta. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, nên việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT là cần thiết. Dự kiến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2024.

Tác động tích cực của Luật TC&QCKT hiện hành

Theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật TC&QCKT được ban hành năm 2006 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về TC&QCKT của nước ta. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về TC&QCKT của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành với quy định còn thiếu tính đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến TC&QCKT.

Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), với vai trò là một văn kiện pháp lý quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về TC&QCKT, kết quả thi hành Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã cho thấy các quy định của Luật đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đảm bảo sự an toàn, an tâm cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống cho toàn xã hội.

Đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, Luật TC&QCKT hiện hành là một bước tiến mới trong việc thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế bảo hộ TC&QCKT, đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia Hiệp định WTO/TBT về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, việc ban hành Luật TC&QCKT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khẳng định các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Về cơ bản, các quy phạm pháp luật liên quan tới xây dựng, công bố, ban hành TC&QCKT, đánh giá sự phù hợp đã đáp ứng các yêu cầu tối thiểu đặt ra của Hiệp định WTO/TBT. Ngoài ra, bằng những quy định có tính tương thích với pháp luật, thông lệ quốc tế, Luật TC&QCKT đã từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, không chỉ của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước mà cả các hoạt động kinh doanh có yếu tố nước ngoài.

Những vướng mắc, bất cập của Luật TC&QCKT hiện hành

Sau 15 năm thi hành Luật TC&QCKT, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật TC&QCKT đã phát sinh một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn cũng như hội nhập quốc tế nói chung và triển khai thi hành cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Một số bất cập mà tờ trình của cơ quan soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT đề cập tập trung vào 2 vấn đề: 1) Bất cập trong thực tiễn thi hành Luật, 2) Các vấn đề đặt ra trong việc thi hành các cam kết về Luật TC&QCKT theo các điều ước quốc tế.

Bất cập trong thực tiễn thi hành Luật TC&QCKT

Hệ thống tiêu chuẩn hiện nay bao gồm: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố TCVN được giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Việc xây dựng TCVN hiện nay chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước (chiếm 95%). Tuy nhiên, trong tình hình KT-XH ngày càng phát triển, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nhu cầu thị trường áp dụng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực ngày càng đa dạng, tăng cao, trong khi đó, nguồn lực xây dựng TCVN chủ yếu tập trung vào các cơ quan, ngân sách nhà nước, nên số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hàng năm chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, tổ chức, doanh nghiệp.

TC&QCKT là văn bản nền tảng cho hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định). Tuy nhiên, hiện nay, quy định về khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa thống nhất, gây bất cập, khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp. Ngoài ra, theo cam kết tại các FTA thế hệ mới, hiện nay một số quy định trong Luật TC&QCKT đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế về quy định hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (không cần sự hiện diện pháp nhân của các tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam).

Hoạt động công nhận hiện nay tại Việt Nam dù đã đạt được những kết quả nhất định, song các tổ chức công nhận trong nước lại hoạt động tương đối độc lập, mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp, liên kết. Vì vậy, hoạt động công nhận chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy hết tiềm năng trong hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh mạng lưới công nhận quốc tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phối hợp chặt chẽ, nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu. Các vấn đề này gây bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Ngoài ra, còn có những bất cập về nguyên tắc, căn cứ, đối tượng, quy trình xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; quản lý, khai thác tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.

Các vấn đề đặt ra trong việc thi hành các cam kết về Luật TC&QCKT theo các điều ước quốc tế

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, song song với thực thi Hiệp định TBT/WTO, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA, đặc biệt là các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, trong đó luôn có một chương quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, tại chương này luôn quy định về cam kết minh bạch hóa liên quan đến TC&QCKT, quy trình đánh giá sự phù hợp, ví dụ như: Điều 8.7 của Chương 8 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định CPTPP; Điều 5.7 của Chương 5 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định EVFTA; Điều 6.11 của Chương 6 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định RCEP… Nội dung của nghĩa vụ này yêu cầu các bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch liên quan đến việc xây dựng, ban hành và áp dụng TC&QCKT và quy trình đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, Luật TC&QCKT hiện nay chỉ đưa ra các nguyên tắc chung và phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn, sâu hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng TC&QCKT; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn về minh bạch hóa.

Định hướng sửa đổi, bổ sung

Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT bổ sung một số quy định về hoạt động xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp với TC&QCKT. Phạm vi sửa đổi tập trung cụ thể vào những quy định như sau:

Về hội nhập quốc tế, minh bạch hoá

Sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT theo hướng bảo đảm tuân thủ các quy định, cam kết trong các FTA thế hệ mới; thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ nhất, nội dung liên quan đến minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại: 1) Bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 6 quy định bảo đảm sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào quá trình xây dựng TC&QCKT của Việt Nam phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; 2) Bổ sung Điều 8d về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Thứ hai, nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế: 1) Bổ sung Khoản 15 Điều 3 về khái niệm “tiêu chuẩn hóa”; 2) Sửa đổi, bổ sung Điều 8 (bổ sung khoản 3 quy định Nhà nước có chính sách thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực…; bổ sung khoản 4 quy định Nhà nước có cơ chế, tạo điều kiện để xây dựng thành tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực, đặc thù của Việt Nam).

Thứ ba, nội dung liên quan đến nguyên tắc cơ bản của hoạt động TC&QCKT: 1) Sửa đổi, bổ sung Điều 6 (sửa đổi điểm a Khoản 4 quy định xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn dựa trên tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển KT-XH; sửa đổi điểm d khoản 4 quy định bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, phù hợp quy định pháp luật về đo lường, chất lượng, góp phần trực tiếp nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia); 2) Sửa đổi, bổ sung Điều 13 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 quy định Kết quả nghiên cứu KH&CN, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo); 3) Sửa đổi, bổ sung Điều 12 về loại tiêu chuẩn (sửa đổi, bổ sung Khoản 5 quy định Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản quy định về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, hàng hoá và yêu cầu về định danh đơn nhất, mã hóa dữ liệu dạng ngôn ngữ máy có thể đọc, nhận dạng và thu thập dữ liệu liên quan đến các đối tượng quản lý trong chuỗi giá trị cung ứng).

Thứ tư, nội dung liên quan đến “Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”: 1) Bổ sung khoản 14 Điều 3 về khái niệm “Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”; 2) Bổ sung Điều 8a quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (quy định vị trí, chức năng chung của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia được Chính phủ quy định chi tiết).

Thứ năm, nội dung liên quan đến Hạ tầng chất lượng quốc gia, bổ sung Điều 8c về Hạ tầng chất lượng quốc gia như sau: 1) Quy định về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; 2) Quy định về phối hợp xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia.

Về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia

Bổ sung Điều 8b quy định về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia như sau: 1) Quy định về vai trò của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; 2) Quy định về nội dung cơ bản và giai đoạn của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; 3) Quy định cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Về xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn      

Sửa đổi, bổ sung Điều 7 theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, cụ thể như sau: 1) Bổ sung khoản 4 theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, ưu tiên sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, hội, doanh nghiệp để xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia; 2) Bổ sung khoản 5 quy định tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm triển khai hiệu quả các chiến lược phát triển KT-XH, chiến lược phát triển ngành, chương trình, đề án trọng điểm quốc gia.

Về hoạt động đánh giá sự phù hợp

Bổ sung Điều 3 các khái niệm “Thử nghiệm”, “Giám định”. Bổ sung quy định nguyên tắc chung về hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận để thống nhất với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, cụ thể: 1) Bổ sung Điều 43a quy định nguyên tắc chung về thử nghiệm; 2) Bổ sung Điều 43b quy định nguyên tắc chung về giám định; 3) Bổ sung Điều 43c quy định nguyên tắc chung về chứng nhận. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 50 quy định “Tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài tại Việt Nam” để phù hợp với cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới. Thay thế từ “tổ chức chứng nhận” bằng từ “tổ chức đánh giá sự phù hợp”. Sửa đổi Điều 51 về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bổ sung Điều 52a quy định quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bổ sung Điều 52b quy định nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bổ sung Điều 54 về Tổ chức công nhận. Bổ sung Điều 56a quy định về Hội đồng công nhận quốc gia.

Những vấn đề khác

Ngoài những vấn đề nêu trên, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT cũng sửa đổi, bổ sung nhằm: 1) Đảm bảo quy định rõ thẩm quyền xây dựng, ban hành QCVN, đối tượng của QCVN; 2) Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TCVN, QCVN; 3) Tăng cường tính hiệu quả của công tác xây dựng quy chuẩn địa phương; 4) Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cơ sở; 5) Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về TC&QCKT, đồng thời đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn; 6) Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; 7) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TC&QCKT.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)