Thứ hai, 01/08/2022 14:27

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Đón đầu xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn

Những năm gần đây, trước những diễn biến bất thường của thời tiết và dịch bệnh, xu thế chung của thế giới là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên... Là một trong những tập đoàn trụ cột của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cũng tổ chức nhiều hội thảo/hội nghị nhằm nhằm nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Mới đây nhất (ngày 27/7/2022) tại Hà Nội, Petrovietnam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và đề xuất cho Petrovietnam” nhằm hoàn thiện báo cáo về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn để đón dấu xu hướng phát triển bền vững của Tập đoàn.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề tiết kiệm nguồn tài nguyên

Trên thế giới hiện nay, bên cạnh các mô hình như kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp thì kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân... Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã hoàn thiện thể chế với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, đã quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường… Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như: điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Đại diện Ban Chiến lược của Petrovietnam cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong bối cảnh nguồn tài nguyên cạn kiệt và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là khu vực đi đầu trong việc hoạch định chính sách tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, Nhật Bản có thể được coi là một điển hình tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ở Mỹ, nền kinh tế tuần hoàn được coi là đồng nghĩa với thuật ngữ “nền kinh tế không chất thải”. Nền kinh tế tuần hoàn tại quốc gia này được hình thành trên cơ sở cách tiếp cận dựa vào thị trường theo quy luật cung - cầu với các chính sách thiên về việc khuyến khích các sáng kiến tuần hoàn và nhân rộng các điển hình. Cùng với Nhật Bản, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đưa ra các chính sách một cách chính thức về kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia. Trung Quốc ưu tiên chính nhằm vào cấp độ các thành phố. Tại Đông Nam Á, Singapore là một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ những năm 80 của thế kỷ XX.

Tuy nhiên, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cũng ảnh hưởng đến các công ty sản xuất dầu khí lớn trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Bên cạnh những thách thức, tác động đến hoạt động dầu khí trong xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn công nghiệp dầu khí cũng có những cơ hội lớn từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn trong việc tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu, hóa chất…

Tại Việt Nam, chủ trương về phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu toàn cầu. Những bài học, mô hình, kinh nghiệm của các nước trên thế giới là tiền đề cho phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Đón đầu xu hướng để phát triển bền vững

Nhiều chuyên gia cho rằng, ở nước ta hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sản lượng cao (Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng, Lan Tây…) đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác (tận thu hồi dầu). Trong khi đó, các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn, vướng mắc các thủ tục đầu tư, rất khó khăn để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng thăm dò. Các mỏ/vỉa mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn là mỏ/vỉa có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ. Với dầu khí tại chỗ còn lại thì khí chiếm tỷ trọng lớn hơn dầu, phân bổ không đều, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất và kỹ thuật khai thác gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và nhiều thách thức… dẫn đến giá cao, chi phí phát triển và vận hành mỏ tăng lên đáng kể, tiến độ phát triển mỏ khí phụ thuộc nhiều yếu tố nên không chắc chắn. Do đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sản lượng dầu trong nước tiếp tục suy giảm, nếu không có cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp để đưa vào phát triển các phát hiện đã được tìm thấy trong giai đoạn trước, cũng như tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ mới.

Để làm được điều đó, các đại biểu đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nhằm tận thu nguồn tài nguyên quốc gia trong điều kiện chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh chóng, bao gồm: chính sách cho hoạt động nghiên cứu áp dụng các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, khí tại các mỏ; khai thác mỏ nhỏ/cận biên; tận dụng khai thác các mỏ do nhà thầu nước ngoài trả lại vì lý do kinh tế. Cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí cần có chủ trương nhất quán và ổn định cho công tác thăm dò, khai thác dầu khí; xây dựng nguồn quỹ phù hợp với tìm kiếm thăm dò; kiện toàn khung pháp lý về dầu khí theo hướng tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư triển khai công việc trong tình hình mới, tránh chồng chéo với các quy định khác.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho rằng, hội thảo về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là một trong chuỗi các tọa đàm liên quan đến phát triển bền vững của Tập đoàn bên cạnh các chủ đề khác như: dịch chuyển năng lượng, hydrogen… và khẳng định Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp tiên phong, sát cánh cùng Nhà nước, Chính phủ trong thực hiện các chính sách, định hướng lớn về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thực hiện các cam kết về môi trường. Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng đề nghị, phải tăng cường công tác truyền thông để góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp về lợi ích của tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Với vai trò là trụ cột nền kinh tế của đất nước, cung cấp đến 100% khí khô, 70% nhiên liệu xăng dầu, 60% nhiên liệu LPG, 70-75% nhu cầu đạm và 8% sản lượng điện cho đất nước, Petrovietnam có trách nhiệm và đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, một mặt đáp ứng nhu cầu năng lượng, nguyên/nhiên liệu cho phát triển kinh tế, mặt khác đảm bảo các mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng, xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hiện Petrovietnam đã xây dựng điều chỉnh Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phù hợp với Nghị quyết 55 với mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phong Vũ - Minh Tùng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)