Thứ hai, 25/07/2022 17:30

PHER: Hỗ trợ 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn

Ngày 24/7/2022, Hội thảo mùa hè của Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (Partnership for higher education reform - PHER) đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. “Xây dựng cộng đồng PHER” là chủ đề của Hội thảo, đánh dấu sự khởi động của chuỗi sự kiện tiếp nối trong năm nay của PHER, được kỳ vọng trở thành một diễn đàn để lãnh đạo, học giả của các đại học trong và ngoài nước, lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam đối thoại, chia sẻ quan điểm, tìm kiểm giải pháp cho các vấn đề trọng yếu của giáo dục đại học Việt Nam.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQGTPHCM) và Đại học Đà Nẵng cùng tham gia PHER, dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế (USAID); Đại học Indiana, Mỹ là đơn vị được giao triển khai.

PHER - nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học

Dự án PHER (tên đầy đủ là Partnership for Higher Education Reform) nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của USAID, là sáng kiến kéo dài 5 năm (2022-2026) nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAUD) tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện dự án.

Xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội đưa hệ thống giáo dục đại học trở thành nền tảng cho sự thay đổi chất lượng lực lượng lao động và năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, PHER được đề xuất nhằm kịp thời hỗ trợ 3 đại học của Việt Nam là ĐHQGHN, ĐHQGTPHCM, Đại học Đà Nẵng hiện thực hoá 4 mục tiêu quan trọng: đổi mới quản trị đại học; nâng cao chất lượng giảng dạy; tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; và thúc đẩy liên kết đại học - doanh nghiệp, góp phần tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong những năm tới. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng.

Cụ thể PHER sẽ giới thiệu, cập nhật những phương pháp dạy và học mới hiện đại, toàn diện và có tính thực tiễn cao để 3 đại học tham gia Dự án triển khai một số phương pháp đào tạo giúp cho sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm và cách áp dụng kiến thức trên lớp vào cuộc sống. Ngoài ra, Dự án sẽ cùng 3 đại học hoàn thiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, cũng như hình thành các chương trình hợp tác đào tạo và liên kết giữa đại học - doanh nghiệp, giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. PHER sẽ tăng cường khả năng kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế thông qua việc hình thành và vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp và khu vực tư nhân bằng cách hỗ trợ các đại học chủ động tìm kiếm, kết nối và chứng minh khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng và xã hội. Cuối cùng, PHER hỗ trợ các đại học trên phương diện quản trị, thông qua giới thiệu, hỗ trợ xây dựng, triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản trị với những lãnh đạo đại học trên thế giới.

Cam kết hướng đến sự xuất sắc

Là đơn vị chủ trì sự kiện, Giám đốc ĐHQGTPHCM Vũ Hải Quân cho biết, Chính phủ đã đồng ý dành nguồn lực cho 3 đại học thông qua Dự án “Phát triển các Đại học quốc gia”. Tuy nhiên, Dự án này tập trung vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nên việc có những sự hỗ trợ về kỹ thuật như mục tiêu mà PHER hướng tới là rất cần thiết. Hai Đại học Quốc gia và Đại học Đà Nẵng với hơn 200.000 sinh viên cần phải là những đơn vị tiên phong để hướng tới chất lượng chuẩn quốc tế trong quản trị, đào tạo và kết nối.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ tại sự kiện: Chiến lược Phát triển ĐHQGHN là xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển mới của quốc gia với định hướng trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong nhóm các trường hàng đầu của khu vực. Để làm được điều đó, ĐHQGHN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất tại trụ sở mới Hòa Lạc, triển khai các chính sách học bổng thu hút học viên và giảng viên giỏi xuất sắc, gia tăng những sáng kiến kết nối cộng đồng, vì cộng đồng, vì quốc gia. Tham gia Dự án PHER, ĐHQGHN sẽ được thụ hưởng nhiều sự hỗ trợ đối với quá trình phát triển của mình do cách thức tiếp cận giải quyết vấn đề của PHER có nhiều điểm tương đồng với Chiến lược Phát triển của ĐHQGHN.

Cố vấn Giáo dục Cấp cao tại Khu vực châu Á của USAID Mitch Kirby cho biết, châu Á hiện nay ngày càng quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đại học và USAID thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học để cùng tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội. USAID đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đưa các trường đại học tại châu Á nói riêng và thế giới nói chung xích lại gần nhau trong hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và Dự án PHER là sự tiếp nối cho nền móng mà USAID đã xây dựng trước đó tại châu Á. PHER hướng đến những cách tiếp cận lâu dài và bền vững với hy vọng trở thành hình mẫu cho cải cách giáo dục bậc đại học tại Việt Nam.

Thay mặt cho đơn vị triển khai Dự án, GS Hannah Buxbaum - Phó Giám đốc Phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana thông tin thêm rằng, mặc dù Dự án đã khởi động từ tháng 8/2021, nhưng đây là lần đầu tiên các chuyên gia và lãnh đạo của 3 đại học thụ hưởng có thể trực tiếp gặp mặt và trao đổi, thảo luận. Với kinh nghiệm của một đại học công lập hàng đầu nước Mỹ, Đại học Indiana rất tin tưởng rằng, PHER có thể đóng góp tích cực để định nghĩa về sự xuất sắc trong giáo dục và làm thay đổi diện mạo của nền giáo dục đại học tại Việt Nam.

Cùng thiết kế, cùng lên kế hoạch, cùng triển khai

Chuỗi hội thảo mùa hè đầu tiên của Dự án PHER quy tụ hơn 30 chuyên gia từ Đại học Indiana và các đại học uy tín trên thế giới - những người sẽ trực tiếp lắng nghe các đại học Việt Nam chia sẻ về bối cảnh của nền giáo dục cũng như nhu cầu của từng cơ sở đào tạo để cùng thiết kế những hoạt động của Dự án sao cho phù hợp những mục tiêu mà 3 đại học mong muốn.

Cũng trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, các đại biểu tham dự đã chia thành 8 nhóm để thảo luận về các khía cạnh như đảm bảo chất lượng, quản lý tài chính, quản trị chia sẻ, quản lý kế hoạch và thực hiện chiến lược, chuyển đổi số, dạy và học, nghiên cứu và đổi mới, liên kết đại học - doanh nghiệp, để chuẩn bị cho các hoạt động của PHER triển khai trong những năm tiếp theo.

Trước đó, nhiều hoạt động bên lề đã được tiến hành như Hội thảo tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là 3 cơ sở giáo dục đại học tham gia Dự án về khung tiếp cận và giải pháp kỹ thuật chung (SAVE Workshop) được tổ chức tháng 6/2021; các buổi toạ đàm và gặp gỡ các đại học tham gia Dự án để tìm hiểu nhu cầu nâng cao năng lực trong các hợp phần của Dự án do Đại học Indiana tiến hành (tháng 6/2021); chuỗi hội thảo đồng thiết kế Dự án (5 hội thảo) tập trung vào các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp - đại học để chi tiết hoá các giải pháp kỹ thuật và ghi nhận ý kiến đóng góp, ý tưởng của các đại học tham gia Dự án với sự tham dự đông đảo của các lãnh đạo, nhà quản lý, giảng viên, và các đối tác khác của 3 đại học (tháng 9, 10/2021)…

Vân Trang, Quốc Toản

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)