Thứ năm, 07/07/2022 15:25

Nuôi thương phẩm thành công cá nác bằng nguồn nhân tạo

ThS Đặng Minh Dũng

Trung tâm Phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ, Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Cá nác là loại hải sản có giá trị kinh tế cao được phân bố tự nhiên ở vùng bãi triều ven biển, cửa sông, cửa lạch các tỉnh ven biển miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, do ngư dân khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau, khiến cho nguồn lợi tự nhiên cá nác ngày càng suy giảm. Đứng trước thực tế này, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ (Viện Nghiên cứu Hải sản) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá nác (Boleophthalmus pectinirostris Linnaeus, 1758)”. Qua thời gian thực hiện (11/2019-3/2022), đề tài đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất nhân giống tạo cá nác, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, giúp ngư dân tại các vùng biển ổn định cuộc sống và duy trì nghề nuôi thương phẩm cá nác trong tương lai.

Tổng quan về loài cá nác

Cá nác là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, sống ở bãi triều vùng nước lợ, kích thước cơ thể nhỏ (10-35 g/con). Cơ thể không có vảy, hình thuôn dài, nhẵn bóng, đầu to hơn thân không nhiều và hai mắt lồi lên phía trên. Thân và vây cá có màu nâu đất, vây lưng được chia làm 2 phần, phần trước phát triển hơn phần sau, khi dựng lên trông giống như cánh buồm; miệng cá rộng và hai mang phồng to. Loài cá này bố dọc theo các bãi lầy ở cửa sông, không ngập quá 2 m nước. Cá nác thường đào hang trú ẩn ở các lùm, rễ cây, hang sâu vào nhiều ngóc ngách. Nhờ đó, chúng nhanh trốn thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù. Vào những ngày nắng, khi thủy triều xuống, cá nác sẽ tự chui ra để kiếm ăn, là một loài ăn tạp nên cá nác có thói quen tranh giành thức ăn với đồng loại. Đặc biệt hơn, cá nác có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh và có thể sống được cả trên cạn và dưới nước.

Cá nác có thân và vây màu nâu đất, hai mắt luôn lồi lên phía trên.

Cá nác chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển cơ thể, thịt cá nác trắng mịn, săn chắc có mùi thơm nhẹ nên được ưa chuộng ở thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là cá khi tươi sống hoặc phơi khô. Cụ thể: i) chứa nhiều axit béo omega 3, hỗ trợ sự phát triển não bộ của con người, đảm nhận chức năng truyền nhận tín hiệu giữa các tế bào cơ thể; ii) nhiều vitamin A, B2, D hỗ trợ trong quá trình đồng hóa biến đổi thức ăn, sản sinh năng lượng phục vụ cho các hoạt động của cơ thể, chống oxi hóa, bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các tác nhân gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cũng như khử độc, tái cấu trúc tế bào bị tổn thương. Nhờ đó, cá nác có giá trị kinh tế cao nên ngư dân tại các vùng biển thường xuyên khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau, làm cho nguồn lợi tự nhiên của cá ngày càng suy giảm.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá nác trên thị trường ngày càng gia tăng. Cá nác hiện có giá bán 250-350 nghìn đồng/kg, sở dĩ giá bán có sự chênh lệch lớn do cá nác phụ thuộc vào nguồn đánh bắt tự nhiên, nên giá bán đắt hơn 150-200 nghìn đồng/kg so với các loài cá khác (cá chép, cá trắm, cá tầm, cá quả). Theo như nhóm nghiên cứu tìm hiểu, hằng ngày, tại các chợ đầu mối hải sản ở Hải Phòng như chợ Ga, Cầu Vồng (Đồ Sơn), Núi Đèo (Thủy Nguyên), Lương Văn Can, lượng cá nác có sức tiêu thụ từ 300-500 kg/ngày. Có những thời điểm xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng, các tiểu thương phải nhập lại các nác từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.

Phát triển nghề nuôi cá nác theo hướng bền vững

Các công trình nghiên cứu cá nác trong nước chủ yếu tập trung vào phân loại học và mức độ đa dạng sinh học trong các thuỷ vực Việt Nam mà chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm loài cá này. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phát triển Nghề cá vịnh Bắc Bộ đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá nác (Boleophthalmus Pectinrostris Linnaeus, 1758)”. Việc nghiên cứu thành công kỹ thuật nhân giống và nuôi thương phẩm sẽ phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tận dụng và mở rộng diện tích vùng nước nhạt và nước lợ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, góp phần bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững, ổn định của nghề nuôi trồng thủy sản.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tìm ra quy trình sản xuất giống nhân tạo, cụ thể, cá nuôi vỗ phải khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý; khối lượng cá 12-20 g/cá thể, chiều dài khoảng 15 cm; thời gian nuôi vỗ 2-4 tháng; mật độ nuôi 50 con/m2; tỷ lệ đực - cái 1/1; thay nước ao nuôi 20-30%; thường xuyên kiểm tra và vệ sinh ao để tránh nguồn nước nhiễm bẩn. Sau đó cho cá đẻ và ấp trứng; thời gian ấp 110-120 giờ trứng bắt đầu nở cá bột. Sau đó, ương cá bột thành cá giống; mật độ ương 500 con/m3; thức ăn phù hợp nhất là Cepepoda (một nhóm phân lớp động vật giáp xác) với mật độ  4-5 ct/ml, Artemia (ấu trùng) 5 ct/ml và thức ăn tổng hợp 10 g/vạn cá/ngày; nhiệt độ trung bình cao nhất (28,6±0,3oC) và thấp nhất (27,3±0,2oC); pH dao động từ 7,5 đến 8,5 và không vượt quá trong suốt quá trình sản xuất giống; hàm lượng oxy hòa tan trong nước dao động 5,1-6,4 mg/l và trung bình dao động 5,6-5,8 mg/l, yếu tố độ mặn được kiểm soát trong cả thời gian thực nghiệm và luôn đạt 15-18%. Trải qua 30 ngày ương nuôi thử nghiệm, tỷ lệ sống của loài đạt cao nhất là 80,5-81,3%.

             Cá thực hiện cho đẻ.                                 Nhóm nghiên cứu thu trứng cá bằng lưới

Để kiểm tra mức độ chính xác của phương pháp, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thử nghiệm nuôi thương phẩm cá nác bằng nguồn nhân tạo. Mô hình nuôi cá nác thương phẩm được thực hiện trên 2 ao có diện tích khác nhau, bao gồm: ao số 1 có diện tích 150 m2, ao số 2 là 500 m2. Mật độ nuôi 50 con/m2 , chế độ cho ăn ở 2 ao nuôi thử nghiệm đồng nhất, cụ thể: 25% cá tạp,  25% bột cám gạo, 50% thức ăn công nghiệp độ đạm 28%. Sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, kết quả tăng trưởng về chiều dài của cá nác thương phẩm ở ao 1 là 14,9 cm/con, ao 2 là 15,2 cm/con. Như vậy không có sự khác biệt lớn về tốc độ tăng trưởng hàng tháng trong cùng một thời gian nuôi. Tuy nhiên, trong 2 ao thương phẩm cá nác thì tăng trưởng khối lượng cá nác ở ao 1 đạt 12,4 g/con, ao 2 đạt 12,8 g/con. Tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt do ao nuôi số 1 có diện tích nhỏ hơn nên sự biến động môi trường nuôi trong ngày lớn hơn ao nuôi số 2. Đồng thời, tỷ lệ sống lần lượt ở ao số 1 là 72,2% và ao số 2 là 74,5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp sản xuất nhân tạo giống cá nác của nhóm hoàn toàn phù hợp với đề tài nói riêng và yêu cầu của TP Hải Phòng nói chung. Đề tài đã được Sở KH&CN Hải Phòng xếp loại xuất sắc, giúp ngư dân có thêm lựa chọn đối tượng nuôi mới, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.

So sánh mô hình nuôi cá nác với một số mô hình nuôi hiện nay thì mô hình của nhóm nghiên cứu có nhiều ưu điểm hơn do cá chịu được môi trường có nhiệt độ không ổn định, lượng nước ao nuôi thấp, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ít, dịch bệnh ít, dễ kiểm soát, giá cá thương phẩm luôn giữ ổn định. Khi so sánh với mô hình nuôi cá bống bớp (loài cá có giá trị kinh tế cao, khoảng 300 nghìn đồng/kg tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, vốn đầu tư và chế độ thức ăn tương tự với cá nác), thời gian nuôi cá bống bớp kéo dài 12-14 tháng, gấp 2 lần so với cá nác, xét về vốn đầu tư và mức độ rủi ro khi nuôi cá bống bớp và cá nác thì tỷ suất lợi nhuận gần tương đương nhau.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng được quy trình sản xuất giống cá nác, tạo ra nguồn giống chủ động cho nghề nuôi thương phẩm ở vùng nước lợ Hải Phòng, góp phần hạn chế đánh bắt nguồn cá giống ngoài tự nhiên, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái. Sản xuất giống và nuôi cá nác thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao, có thể nuôi trong các ao đầm nước lợ nhạt ven biển, mở ra hướng đi mới đối với cộng đồng ngư dân ven biển. Từ cơ sở thúc đẩy nghề nuôi, nhu cầu giống cũng phát triển, tạo sự chuyển dịch từ nguồn giống tự nhiên sang nguồn giống nhân tạo. Kéo theo đó là các dịch vụ khác như: vật tư, thức ăn, thương mại...

Có thể nói, mô hình sản xuất giống và nuôi cá nác thương phẩm ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế còn giúp cho người nuôi lựa chọn thêm đối tượng mới nhằm cải thiện môi trường ao nuôi thông qua việc nuôi luân canh giúp kìm hãm tình hình dịch bệnh giữa các đối tượng nuôi, góp phần ổn định cuộc sống và duy trì nghề nuôi cá nác thương phẩm.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)