Thứ năm, 30/06/2022 09:26

Những thay đổi về bảo hộ giống cây trồng trong Luật sở hữu trí tuệ 2022

Luật sư Lê Quang Vinh

Công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT 2022) với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo hộ giống cây trồng. Cụ thể, Luật SHTT 2022 đã sửa đổi điều kiện bảo hộ giống cây trồng, tên giống cây trồng, thẩm định hình thức và khảo nghiệm kỹ thuật…

Sửa đổi điều kiện bảo hộ giống cây trồng

Ngoài việc phải thỏa mãn 5 điều kiện bảo hộ gồm tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp, Luật SHTT 2005 còn quy định điều kiện thứ 6 là chỉ giống cây trồng nào thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành mới có thể được bảo hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, do đã quá 10 năm tính từ thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo hộ tất cả các giống cây trồng. Vì vậy, Luật SHTT 2022 loại bỏ điều kiện thứ 6 này bằng quy định rằng, giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Tên giống cây trồng

Ngoài yêu cầu tên giống cây trồng phải trùng với tên đã đăng ký ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của UPOV và quốc gia khác có ký kết thỏa thuận với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng, Luật SHTT 2022 còn bổ sung 2 trường hợp tên của giống cây trồng bị xem là không phù hợp: (1) Tên của giống cây trồng chỉ bao gồm tên loài của giống cây trồng đó; (2) Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống đó. Trong trường hợp tên giống cây trồng bị từ chối, người nộp đơn được quyền đề xuất tên khác thay thế trong vòng 30 ngày kể từ ngày Văn phòng bảo hộ giống cây trồng từ chối tên giống cây trồng đó.

Thẩm định hình thức và khảo nghiệm kỹ thuật

Hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng được Văn phòng bảo hộ giống cây trồng thẩm định về hình thức trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đơn. Trường hợp hợp lệ, thông báo chấp nhận đơn được ban hành trong đó kèm yêu cầu người nộp đơn gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật trong thời hạn 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành thông báo chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đó, trừ trường hợp giống cây trồng do người nộp đơn tự khảo nghiệm.

Trả thù lao cho tác giả giống cây trồng

Đối với giống cây trồng không liên quan đến nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng phải thanh toán mức thù lao  trong suốt thời hạn bảo hộ của giống cây trồng cho tác giả giống cây trồng, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Cụ thể: i) 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh; ii) 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định; iii) 35% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo, thù lao theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Luật SHTT 2022 đã có những quy định mới về trả thù lao cho tác giả giống cây trồng

Đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng trả thù lao cho tác giả theo quy định sau: i) Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh; ii) Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định; iii) Tối thiểu 20% và tối đa 35% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được do chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo.

Ngăn cấm dùng tên giống cây trồng đăng ký nhãn hiệu

Luật SHTT 2022 bổ sung thêm quy tắc ngăn chặn chủ bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc bất kỳ bên thứ ba dùng tên giống cây trồng đăng ký làm nhãn hiệu độc quyền. Cụ thể, Luật SHTT 2022 quy định nhãn hiệu xin đăng ký phải bị từ chối bảo hộ nếu chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)