Thứ bảy, 14/05/2022 09:48

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Một số yêu cầu đặt ra

Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” đã được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện công bố mới đây nhằm: (i) Nghiên cứu, cập nhật những quy định về bảo hộ SHTT ở Việt Nam; (ii) Rà soát, phân tích các nội dung cam kết trực tiếp về SHTT trong một số điều ước quốc tế của Việt Nam, mà trọng tâm là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; (iii) Phân tích yêu cầu hoàn thiện quy định về bảo hộ SHTT ở Việt Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi số… Một trong những nội dung quan trọng của Báo cáo này là nêu lên một số yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật SHTT hiện hành của Việt Nam.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 26/10/2021 (ảnh Văn Điệp).

Theo Báo cáo thì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT tập trung vào một số vấn đề cụ thể như sau:

Cần quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (QTG), người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan (QLQ) trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ

Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) cần được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn. Theo đó, dự thảo Luật phải làm rõ các nội dung của quyền tài sản; quyền của người biểu diễn, QTG đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu; QTG đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; quyền của tổ chức phát sóng; chủ sở hữu QTG. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (thỏa thuận đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực QTG nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính...

Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế (SC), kiểu dáng công nghiệp (KDCN), thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước (NSNN)

Các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích phong trào biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT (SC, KDCN, thiết kế bố trí), tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Nhằm tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản trí tuệ hình thành từ NSNN, cụ thể là SC, KDCN, thiết kế bố trí, dự thảo Luật trao quyền đăng ký SC, KDCN, thiết kế bố trí được tạo ra từ NSNN một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và sẽ được hưởng quyền sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát nhằm đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì (chủ văn bằng bảo hộ) và lợi ích của nhà nước với tư cách là “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội. Nhà nước chủ động “giữ lại” quyền đăng ký đối với SC, KDCN, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sử dụng toàn bộ NSNN) thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN)

Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực QTG, QLQ) hay phải đăng ký (lĩnh vực SHCN), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thẩm định đơn SC theo thủ tục rút gọn. thành phần hồ sơ... trong thủ tục đăng ký đăng ký QTG, QLQ/xác lập quyền SHCN được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch. Một số sửa đổi cụ thể bao gồm: tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến QTG, QLQ; phân luồng ý kiến người thứ ba để đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn; đơn giản hóa bản mô tả KDCN; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với SC; cho phép trì hoãn công bố đơn KDCN; bổ sung một số quy định đặc thù về thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN.

Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT

Các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Cụ thể: 1) bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm QTG, QLQ, các giới hạn QTG, QLQ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể QTG với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; 2) bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát SC có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (SC, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng QTG, QLQ; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước; 3) bổ sung quy định về giới hạn đối với quyền giữ giống của nông dân (nông dân được quyền giữ giống để gieo trồng trên diện tích đất canh tác của mình nhưng phải ở giới hạn hợp lý).

Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT

Những quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định) cũng cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước. Các nội dung cần được sửa đổi gồm: 1) phân loại phạm vi hoạt động đại diện cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính; 2) xác định rõ phạm vi của giám định SHTT và giám định tư pháp về SHTT; nguyên tắc thực hiện giám định và giá trị của kết luận giám định.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT

Các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó cần lưu ý các nội dung sau: 1) thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính theo hướng chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với 5 đối tượng (QTG, QLQ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng); 2) thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa liên quan đến SHTT theo hướng chỉ áp dụng biện pháp này cho hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, quyền đối với giống cây trồng, giả mạo về chỉ dẫn địa lý và sao chép lậu và chỉ đối với hành vi nhập khẩu; 3) tăng cường ứng dụng các nền tảng trực tuyến để xử lý các tranh chấp về SHTT (thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án).

Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập

Các quy định hiện có trong Luật SHTT chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế cũng cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể là các yêu cầu: 1) sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ QTG, QLQ; 2) sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; độc quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu để làm cơ sở để xử lý hình sự đối với hành vi phân phối/bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ở quy mô thương mại; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng SC thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu SC vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; 3) bổ sung một số quy định về thực thi quyền như giả định về QTG, QLQ; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo SHTT…

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)