Thứ năm, 26/05/2022 11:07

Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học: Nỗ lực làm chủ các kỹ thuật khoa học tiên tiến trên thế giới

Ngày 24/5/2022, tại Hòa Lạc, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (IMBT) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập với sự tham gia của các thế hệ lãnh đạo và viên chức, người lao động qua các thời kỳ. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, IMBT đã đã từng bước khẳng định được vai trò và sứ mệnh của mình đối với sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực vi sinh và công nghệ sinh học.

Sự sống không thể tồn tại nếu thiếu vi sinh vật

IMBT được thành lập cách đây 15 năm (24/05/2007-24/05/2022) theo quyết định số 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học, đơn vị tiền thân của IMBT hiện nay. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của đội ngũ các nhà khoa học và các cán bộ qua các thời kỳ, IMBT đã có sự phát triển chuyên sâu, bền vững, từng bước tự chủ, hội nhập quốc tế và đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung trong sự phát triển của ĐHQGHN.

Xưởng thực nghiệm của IMBT tại Hòa Lạc (ảnh: VNU-Media).

Phát biểu tại buổi Lễ, Viện trưởng IMBT Trịnh Thành Trung cho biết: “Sự sống không thể tồn tại nếu thiếu vi sinh vật” – đó là câu nói nổi tiếng Louis Pasteur – người cha đẻ của lĩnh vực vi sinh vật học ở thế kỷ XVIII. Câu nói đó vừa thể hiện tầm quan trọng, vừa đề cao vai trò ứng dụng của vi sinh vật trong đời sống thực tiễn của con người. Điều đó được minh chứng không những chỉ trong xã hội loài người hiện đại ngày nay mà còn xuyên suốt chiều dài văn hóa - ẩm thực của mỗi dân tộc trên thế giới. Các cường quốc phát triển đã đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghiệp có nguồn gốc từ vi sinh vật, từ đó tạo nên các sản phẩm thương mại có giá trị cao, mang lại doanh thu nhiều tỷ USD mỗi năm. Đó chính là công nghiệp dược từ vi sinh vật, công nghiệp enzyme từ vi sinh vật, công nghiệp thực phẩm và đồ uống từ vi sinh vật; hay gần đây là các ngành công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường sử dụng vi sinh vật, nông nghiệp hữu cơ vi sinh… Đó cũng chính là những khát vọng, mong đợi, kỳ vọng mà các thế hệ nguyên lãnh đạo Trung tâm, Viện và lãnh đạo ĐHQGHN mong đợi kể từ khi thành lập.

Với sứ mệnh là trở thành đơn vị nghiên cứu tiên phong và chuyên sâu về lĩnh vực vi sinh vật; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ sinh học vi sinh vật; đi đầu trong ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ vi sinh tiên tiến, các thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ IMBT luôn không ngừng phấn đấu hoàn thiện về mọi mặt để đưa Viện trở thành đơn vị uy tín/chuyên sâu trong nước về lĩnh vực vi sinh vật.

Nỗ lực làm chủ các kỹ thuật khoa học tiên tiến trên thế giới

Trong không khí thân mật, ấm cúng của buổi Lễ, Viện trưởng IMBT Trịnh Thành Trung thể hiện quyết tâm không ngừng nỗ lực phấn đấu học hỏi và làm chủ các kỹ thuật khoa học tiên tiến trên thế giới; khơi dậy tinh thần đam mê, tâm huyết, tận tình với sự nghiệp nghiên cứu khoa học; tích cực rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận; xây dựng Viện trở thành một đơn vị nghiên cứu tiên phong của cả nước về lĩnh vực vi sinh vật và công nghệ sinh học; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm; tạo các nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước; nâng cao đời sống cho cán bộ Viện; phát triển Viện theo mô hình tự chủ. Bên cạnh đó, Viện cũng luôn mong muốn được triển khai hợp tác với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài ĐHQGHN, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.

Tại buổi Lễ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực đóng góp của Viện trong thời gian qua, cũng như có những định hướng cho sự phát triển của Viện trong không gian phát triển mới của ĐHQGHN tại Hòa Lạc thời gian tới, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị Viện tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể: hoàn thiện cơ cấu tổ chức, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các nguồn lực đảm bảo khả năng tự chủ của Viện; phát triển các nhóm nghiên cứu tiềm năng/trọng điểm theo hướng tạo ra sản phẩm dịch vụ thương mại hóa và có khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, kết nối với các cơ sở y tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và địa phương trong đào tạo, phát triển dịch vụ phục vụ cộng đồng. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, Viện cần xây dựng lộ trình và kế hoạch phát triển đơn vị tại Hòa Lạc gắn với định hướng chung của ĐHQGHN.

Trong huôn khổ của buổi lễ, các lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, cũng như của các cố vấn khoa học của Viện đã điểm lại chặng đường xây dựng và phát triển của Viện trong suốt 15 năm qua, đồng thời tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các GS, các thầy cô, các nhà khoa học, các cán bộ đã và đang công tác tại Viện, cũng như sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác trong và ngoài ĐHQGHN.

Trong thời gian qua, tập thể cán bộ của Viện đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu ISI và SCOPUS; thực hiện thành công các đề tài cấp Nhà nước, Nghị định thư, hợp tác quốc tế. IMBT đã công bố 70 bài quốc tế với 34 bài thuộc ISI/SCOPUS, 130 bài trong nước, đăng ký 20 sáng chế và giải pháp hữu ích với 7 sáng chế đã được cấp bằng; hàng trăm công bố tại các hội nghị trong và ngoài nước.

Lan Anh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)