Thứ hai, 23/05/2022 14:48

Du lịch sinh thái rừng tạo sinh kế cho cộng đồng vùng đệm của Vườn quốc gia Phú Quốc

TS Nguyễn Chí Thành1, TS Nguyễn Văn Thịnh2, TS Lê Hữu Phú1, KS Nguyễn Văn Tiệp1, ThS Nguyễn Văn Trung1, ThS Huỳnh Văn Tiến3

1Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước

2Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới

3Vườn quốc gia Phú Quốc

Tổ chức sinh kế cho cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc được xây dựng trên cơ sở sử dụng tài nguyên cảnh quan, môi trường của hệ sinh thái rừng để phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái (DLST) thông qua triết lý sử dụng hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư và sự đồng thuận của các bên có liên quan. Đây là nền tảng cho việc duy trì giải pháp sinh kế bền vững dựa trên việc sử dụng các dịch vụ của hệ sinh thái rừng một cách bền vững, nhằm nâng cao thu nhập của người dân trong vùng đệm của VQG, góp phần thành công cho mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.        

Mở đầu

VQG Phú Quốc (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là khu rừng đặc dụng duy nhất của Việt Nam nằm gọn trong lòng một thành phố, với nhiều sinh cảnh rừng phân bố trên nhiều dạng lập địa khác nhau như: cây gỗ rải rác, rừng tràm thưa, cây Hồng sim (Rhodomyrtus tomentosa). Nhằm phát huy công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) có sự tham gia của cộng động vùng đệm, trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhóm tác giả đã tổ chức nghiên cứu các sinh cảnh rừng và nơi phân bố loài Hồng sim ở khu vực Suối Tiên để tổ chức sinh kế gắn với công tác khoán BVR cho cộng đồng vùng đệm, đồng thời nâng cao nhận thức BVR nói riêng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng địa phương nói chung.

Kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức mô hình sinh kế cho người dân vùng đệm ở các khu bảo tồn

Cộng đồng địa phương sống xung quanh các khu bảo tồn thường có đời sống khó khăn, nhận thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên chưa cao, dẫn đến tình trạng khai thác gỗ, săn bắn động vật trái phép thường xuyên xảy ra. Đây là các mối đe dọa xâm hại tài nguyên rừng từ cộng đồng địa phương. Do đó, nhiều mô hình phát triển DLST đã được nghiên cứu, thực hiện để hỗ trợ người dân bản địa tăng thu nhập, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. 

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Rhon (Đức): đây là mô hình kiểu mẫu của châu Âu và thế giới. Các chương trình hành động tại khu vực này luôn được tuân thủ theo nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”. Hoạt động này đã đem lại kết quả tích cực khi nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của cộng đồng và khách du lịch được nâng lên, qua đó giảm đáng kể tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường sinh thái và ĐDSH.

Khu DTSQ Rio Platano (Honduras): phương châm hoạt động ở Rio Platano là “tích cực hỗ trợ phát triển con người và bảo tồn thiên nhiên”. Một trong những sản phẩm du lịch ấn tượng là các chuyến thám hiểm trên sông, săn bắn, trải nghiệm văn hoá (âm nhạc và khiêu vũ) đặc trưng của địa phương. Trung bình, mỗi hộ dân có ít nhất một người có thể làm hướng dẫn viên du lịch. Sản phẩm du lịch ấn tượng thứ hai là trải nghiệm, tìm hiểu về đời sống các loại bướm. Ngoài ra, du khách còn có thể thư giãn, nghỉ dưỡng trên bãi biển Caribean hoang sơ cát trắng, trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; hay có thể đi cano để khám phá thế giới các loài chim; câu cá hoặc đánh bắt thuỷ sản bằng phương thức truyền thống ở các khu rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới trên bờ... Cộng đồng địa phương, các công ty du lịch ở đây luôn có sự gắn kết chặt chẽ, giúp tăng cường sự hiểu biết về DLST, vừa tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Khu DTSQ Jiuzhaigou (Trung Quốc): chính quyền sở tại tìm kiếm sự đồng thuận một cách tự nguyện của khoảng 800 hộ dân sinh sống ở địa phương để quản lý, bảo tồn ĐDSH, giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch. Nhờ đó, Khu DTSQ Jiuzhaigou không chỉ bảo tồn được các giá trị tự nhiên, văn hoá lịch sử hàng nghìn năm mà còn trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới ở Trung Quốc.

Khu DTSQ Everglades vùng Nam Florida (Hoa Kỳ): thực hiện mô hình “gắn kết chặt chẽ tổng hợp các thành phần quản lý - doanh nghiệp - cộng đồng địa phương - các tổ chức phi chính phủ hữu quan” trên các lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, tôn tạo cảnh quan, phát triển các sản phẩm đặc trưng của khu DTSQ. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch và các dịch vụ hỗ trợ giúp nâng cao giá trị của khu DTSQ.

Khu DTSQ North Devon (Anh): khu DTSQ này đã thực hiện thành công phương thức phát triển DLST gắn với bảo tồn ĐDSH theo phương châm “các loài động vật hoang dã thân thiện” tựa như “thú nuôi”, có thể gần gũi với du khách. Hoạt động này góp phần bảo tồn, tôn tạo sinh cảnh, thúc đẩy phát triển loài, đồng thời góp phần tăng nguồn tài chính bổ sung cho phát triển khu DTSQ từ lệ phí du lịch.

Kinh nghiệm của các nước nêu trên cho thấy, cốt lõi của thành công đối với phát triển các mô hình sinh kế gắn với việc sử dụng tài nguyên, bảo tồn ĐDSH là: chú trọng gia tăng sức hấp dẫn cảnh quan, sinh cảnh, bảo tồn tính ĐDSH có sự tham gia của cộng đồng địa phương, đồng thời sử dụng tài nguyên này một cách khôn khéo để tổ chức phát triển DLST. Trong đó, cộng đồng địa phương là một trong những bên tham gia quan trọng trong công tác tổ chức, thực hiện các sản phẩm du lịch cùng với chủ rừng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương; cơ chế chia sẻ lợi ích được xây dựng và thực hiện một cách minh bạch giữa các bên: quản lý - cộng đồng tham gia - các thành phần liên quan.

Phát triển sinh kế ở vùng đệm của VQG Phú Quốc

Hiện nay, chưa có số liệu thống kê về số lượng khách đến tham quan VQG Phú Quốc do nơi đây chưa tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch. Trong phạm vi VQG Phú Quốc mới chỉ có dự án cho thuê môi trường rừng. Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc đi vào hoạt động cuối năm 2015 là một điểm nhấn cho phát triển du lịch của đảo, đã thu hút được khoảng 250.000-300.000 lượt khách/năm đến tham quan trong giai đoạn 2016-2020. VQG Phú Quốc là một điểm nhấn về phát triển du lịch của huyện đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch nơi đây hiện còn khá đơn điệu, tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ; du lịch chủ yếu là tham quan thắng cảnh tại một số khu vực có cảnh quan đẹp như: suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên…, hoặc một số tuyến du lịch xuyên rừng theo các trục đường giao thông, hay các con sông chảy qua VQG (sông Cửa Cạn, Rạch Tràm), các bãi biển còn hoang sơ, chưa có sự tham gia của cộng đồng địa phương như: Rạch Vẹm, Vũng Trâu Nằm. Cho đến nay, chưa có một mô hình sinh kế nào gắn với công tác BVR được phát triển ở VQG Phú Quốc, đặc biệt là các hoạt động DLST, chia sẻ lợi ích lâm sản ngoài gỗ gắn với công tác khoán BVR.

Đề xuất mô hình du lịch VQG Phú Quốc

Mô hình sinh kế gắn với công tác khoán BVR

Hồng sim là loài cây đã và đang được người dân trên đảo sử dụng và chế biến thành nhiều đặc sản, mang thương hiệu riêng của Phú Quốc như rượu sim, mứt sim… Để sử dụng bền vững cây Hồng sim cho tổ chức sinh kế cần phải dựa trên các quan điểm: (i) Phải bảo vệ, bảo tồn các sinh cảnh phân bố của loài Hồng sim; (ii) Hướng dẫn cho người dân khai thác quả Hồng sim một cách bền vững; (iii) Tổ chức phát triển DLST để du khách hiểu được giá trị về sinh thái, kinh tế, khoa học của các loài sim trong hệ sinh thái rừng trên cạn của VQG Phú Quốc, cũng như ý nghĩa của quả Hồng sim đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình tổ chức sinh kế, tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng đệm ở xã Hàm Ninh (nơi có nhiều cây Hồng sim) để phát triển các dịch vụ DLST.

Chủ hộ thực hiện lao động BVR bằng hợp đồng nhận khoán rừng ký với VQG Phú Quốc và được VQG trả tiền công. Chủ hộ này được cử người của hộ tham gia dịch vụ DLST bằng hợp đồng thỏa thuận hợp tác ký với chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch và được chủ doanh nghiệp trả tiền công lao động. Sinh kế của hộ dân là BVR và thực hiện dịch vụ môi trường rừng.

Mô hình gắn sản phẩm du lịch với các sinh cảnh rừng           

Với mô hình này, có thể tổ chức cho khách du lịch ngắm các sinh cảnh rừng tự nhiên với nhiều loại cây cùng tồn tại cùng với sự hiện diện của thú rừng…, tạo nên cảm giác thoải mái, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Ví dụ như có thể khám phá những khu rừng thứ sinh với các loài thực vật đại diện cho hệ thực vật miền Bắc Việt Nam (ưu hợp họ Xoan + Máu chó + Bồ hòn + Trường; ưu hợp cây họ Chè + Ba mảnh vỏ + Hoa hồng + Ngũ gia bì), vùng Đông Nam Bộ (ưu hợp Trường + Trâm + Thị + Máu chó + Bình linh) và các loài thực vật mang tính chất bản địa, đặc trưng của VQG Phú Quốc như Ổi rừng + Cồng + Kiền kiền…

Sử dụng bền vững tài nguyên của hệ sinh thái đất ngập nước để tổ chức sinh kế cho người dân ở vùng đệm

Sử dụng tài nguyên của hệ sinh thái đất ngập nước là cảnh quan thiên nhiên của dòng sông, hình ảnh dải rừng ngập nước ven sông, không gian yên bình của vùng sông nước, tiếng chim hót và hình ảnh các loài thực vật, động vật đặc thù của hệ sinh thái đất ngập nước. Không khai thác tài nguyên của hệ sinh thái (thuỷ sản, lâm sản ngoài gỗ…) dưới bất kỳ hình thức nào. Xác lập các sản phẩm DLST dựa trên các tài nguyên của hệ sinh thái đất ngập nước. Cụ thể ở đây là khám phá thiên nhiên và giải trí.

Người dân tham gia mô hình sinh kế sẽ nhận thức và hiểu về tại sao/làm thế nào/để làm gì trong sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước ở sông Rạch Tràm và có thu nhập từ mô hình này.

Khu vực Rạch Tràm ở VQG Phú Quốc.

Với tài nguyên đất ngập nước ở Phú Quốc có thể tổ chức sinh kế cho người dân theo các hướng: i) Khám phá lát cắt hệ sinh thái trên sông Rạch Tràm; ii) Khám phá quần xã cây Cóc đỏ, một loài cây gỗ lớn, quý hiếm của rừng ngập mặn, có tên trong Sách đỏ thực vật Việt Nam và là loài cây có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng, cấm khai thác tại nước ta; iii) Khám phá cây Hoàng đàn giả hay còn gọi là Dương tùng (một loài thực vật hạt trần thuộc họ Thông Tre, thường phân bố trên núi đá, núi đá vôi có độ cao 700-1.700 m ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Lâm Đồng và vùng núi của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận giáp với tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên tại VQG Phú Quốc với điều kiện địa hình thấp, ngập nước trong mùa mưa, chịu ảnh hưởng của nước mặn nhưng vẫn có cây Hoàng đàn giả mọc, có cả cây đã lớn, cây tái sinh. Đây là điều bí ẩn mà hiện nay chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu, lý giải được); iv) Bơi thuyền Kayak - một trải nghiệm đầy thú vị khi chèo thuyền kayak trong cảnh sắc của rừng xanh, nước biếc; v) Tìm hiểu cây Bí kỳ nam, một loài thực vật dị thảo, chứa nhiều điều bí ẩn và có giá trị rất đặc biệt đối với môi trường tự nhiên cũng như con người; vi) Ngắm hoàng hôn trên cửa Sông Rạch Tràm và quan sát động vật hoang dã trong tuyến đi như: Khỉ đuôi dài, Sóc đỏ Phú Quốc, Dơi ngựa lớn, Sóc bay bé, Hồng hoàng Phướn, Coọc, Chèo chẹo nhỏ, Bồng chanh, Tắc kè…

Điểm dừng chân tham quan cây Cóc đỏ ở VQG Phú Quốc.

*

*          *

Cơ sở khoa học và pháp lý của việc sử dụng bền vững hệ sinh thái phải dựa trên triết lý hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Cơ chế để thực hiện sinh kế, có thu nhập gắn với BVR đã được thiết lập, cần được sự đồng thuận của hộ dân, nhà đầu tư (doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong VQG Phú Quốc), UBND xã và chủ rừng (VQG Phú Quốc). Cơ chế và sự đồng thuận này là nền tảng cho việc duy trì giải pháp sinh kế bền vững dựa trên việc sử dụng các dịch vụ của hệ sinh thái rừng đặc dụng một cách bền vững, nhằm nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)