Thứ năm, 28/04/2022 10:29

Giải pháp công nghệ phù hợp cho khai thác tầng sâu các mỏ than lộ thiên ở Việt Nam

Hiện nay, các mỏ than lộ thiên của Việt Nam ngày càng phải khai thác xuống sâu với cường độ khai thác lớn, hệ số bóc cao, cung độ vận tải và chiều cao nâng tải lớn... Đặc biệt, khi kết thúc khai thác, đáy các mỏ thường thấp hơn mực nước biển 300-400 m, dẫn đến mất an toàn trong quá trình sản xuất. Để đảm bảo an toàn khai thác xuống sâu, đáp ứng yêu cầu sản lượng, nâng cao hiệu quả khai thác, việc nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp là cần thiết và cấp bách.

Vấn đề cần giải quyết

Hiện tại, khai thác lộ thiên đã, đang và vẫn sẽ giữ một vai trò quan trọng trong tổng sản lượng than, khoáng sản khai thác được của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN). Do đó, các mỏ đều phải mở rộng quy mô khai thác, kích thước khai trường mở rộng; cung độ vận tải đất đá và than ngày càng tăng, chiều cao nâng tải ngày càng lớn; hệ số bóc ngày càng tăng... Trong khi đó, điều kiện khai thác các mỏ ngày càng trở nên phức tạp, khi xuống sâu điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình có nhiều thay đổi bất lợi cho quá trình khai thác. Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ngày càng phức tạp và khó dự báo cũng làm cho hoạt động khai thác than đá lộ thiên gặp khó khăn.

Thống kê cho thấy, tổng khối lượng đất, đá được cào bóc ở các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh khoảng gần 2,8 tỷ m3, trữ lượng than khai thác còn lại 268,3 triệu tấn. Trong những năm tới, sản lượng mỗi mỏ lộ thiên đạt 1,5-4,0 triệu tấn than/năm, đất đá cào bóc 10-50 triệu m3/năm. Các mỏ lộ thiên vùng Hòn Gai cơ bản sẽ kết thúc khai thác vào năm 2020-2028; các mỏ vùng Cẩm Phả thời gian khai thác đến năm 2038, cung độ vận tải đất đất đá ra bãi thải ngoài từ 5-10 km, chiều cao nâng tải từ 150-450 m. Theo Quy hoạch phát triển ngành than, các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh sẽ được mở rộng khai thác tới độ sâu: Cọc Sáu (-300 m), Cao Sơn (-325 m), Đèo Nai (-225 m), Đèo Nai - Cọc Sáu (-350 m), Hà Tu (-225 m), Tây Nam Đá Mài (-200 m)... Mặc dù, các mỏ lộ thiên sâu đã ứng dụng và đưa vào sản xuất các thiết bị khai thác có suất nhỏ và trung bình, chỉ có số ít máy xúc dung tích gầu 10-12 m3 và ôtô có tải trọng 91-30 tấn hoặc sử dụng vận tải liên hợp ô tô - băng tải... Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các thiết bị chưa cao và chưa đồng bộ trong toàn ngành.

Hiện nay, đã có một số công trình nghiên cứu các giải pháp khai thác mỏ lộ thiên sâu, tuy nhiên các giải pháp này mới chỉ giải quyết khó khăn của một khâu sản xuất đơn lẻ mà chưa có công trình nào nghiên cứu tổng thể các giải pháp nhằm khai thác an toàn đảm bảo sản lượng mỏ, hiệu quả kinh tế, môi trường và thu hồi tối đa tài nguyên.

Các giải pháp đạt được

Nằm trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025, Bộ Công Thương đã giao Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp khi khai thác các tầng sâu ở các mỏ than lộ thiên Việt Nam” nhằm đưa ra các giải pháp công nghệ khai thác phù hợp tại các tầng sâu cho các mỏ than lộ thiên Việt Nam, giúp khai thác tối đa tài nguyên đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng sản lượng theo quy hoạch và điều kiện của biến đổi khí hậu. Sau 3 năm triển khai thực hiện (2018-2021), đề tài đã đưa ra được các giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả trong ứng dụng.

Giải pháp về bờ mỏ: trong cùng một điều kiện cụ thể, bờ mỏ lồi có hệ số ổn định cao hơn bờ phẳng và bờ lõm. Do đó, trên cơ sở phương diện ổn định, đề tài đã đề xuất lựa chọn hình dạng bờ mỏ lồi phục vụ khai thác sẽ có lợi nhất. Việc sử dụng bờ mỏ lồi có khối lượng đất đá cào bóc trong biên giới khai trường nhỏ hơn so với bờ phẳng và bờ lõm. Khi sử dụng bờ mỏ lồi cho các mỏ lộ thiên không những có lợi về mặt ổn định bờ mỏ, mà còn làm giảm đáng kể khối lượng đất đá cào bóc ở biên giới khai trương mỏ.

Giải pháp nâng cao góc dốc sườn tầng: đề tài đã đề xuất một số giải pháp nâng cao góc dốc sườn tầng gồm: sử dụng chiều cao tầng thấp, nổ tạo biên; khoan nghiêng, phân đoạn chiều cao cột thuốc, nổ tạo rạch hoặc có thể kết hợp nhiều giải pháp trong cùng một khu vực để có thể tạo ra góc dốc sườn tầng lớn nhất, bờ mỏ ổn định lâu dài nhất với chi phí nhỏ nhất. Với giải pháp áp dụng có thể nâng góc dốc sườn tầng đạt 70-85o, giúp giảm hàng triệu m3 đất, đá phải cào bóc trong biên giới.

Giải pháp thoát nước, vét bùn: hiện nay, các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh đang khai thác xuống sâu với tốc độ trung bình 10-15 m/năm. Khi khai thác xuống sâu, biên giới mỏ ngày càng mở rộng dẫn đến lượng bùn đất chảy xuống đáy moong ngày một tăng, chiều dày lớp bùn loãng lớn và không ổn định, bùn loãng thường tập trung ở giữa moong. Do đó, đề tài đã đề xuất ứng dụng công nghệ vét bùn bằng máy bơm bùn đặc đối với phần bùn loãng phía trên, phần đất đá lẫn bùn phía dưới xúc trực tiếp bằng máy xúc. Với công nghệ này, phần bùn loãng được bơm lên hố chứa bùn cải tạo từ bãi mìn, phần đất, đá lẫn bùn phía dưới xúc trực tiếp bằng máy xúc. Áp dụng công nghệ đào sâu đáy mỏ 2 cấp hoặc đáy mỏ nghiêng. Khi áp dụng các giải pháp công nghệ này, cho phép rút ngắn thời gian xử lý bùn hàng năm, giúp đảm bảo sản lượng mỏ theo yêu cầu.

Giải pháp về vận tải: đối với các mỏ có kích thước khai trường, công suất lớn, thời gian khai thác dài… nên áp dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải dốc - băng tải thường kết hợp với máy nghiền; các khai trường có chiều cao bờ mỏ lớn (300-350 m), kích thước khai trường hẹp nên áp dụng hình thức vận tải ô tô - trục tải; các mỏ còn lại áp dụng hình thức vận tải ô tô đơn thuần.

Nâng cao mức độ an toàn khi khai thác các tầng sâu: để nâng cao độ ổn định bờ mỏ, đề tài khuyến cáo cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp: gia cường khối đá bằng bê tông phun, xi măng hóa, neo bờ mỏ, khoan giảm áp, xây dựng hệ thống giám sát bờ mỏ... Đặc biệt, các mỏ khai thác lộ thiên cần trang bị hệ thống quan trắc bờ mỏ bằng radar. Đây là hệ thống hiện đại, có độ chính xác cao và làm việc liên tục không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu, có thể kịp thời phát hiện các dịch động bề mặt và đưa ra cảnh báo. Hệ thống này đã được áp dụng rộng rãi tại các mỏ lộ thiên lớn trên thế giới nên đảm bảo độ tin cậy cao và chứng minh được hiệu quả khi áp dụng. Khi áp dụng hệ thống có thể giúp cảnh báo trượt lở trước đến 6 ngày, giúp mỏ có kế hoạch xử lý bờ mỏ cũng như kịp thời di chuyển thiết bị đến nơi an toàn.

Nhiều công nghệ hiện đại đã được ngành than áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay và những năm tới, các mỏ than lộ thiên tại Việt Nam sẽ tăng cường độ khai thác; càng xuống sâu, công tác khai thác càng gặp nhiều khó khăn bất lợi. Chính vì vậy, việc áp dụng các giải pháp công nghệ khai thác phù hợp sẽ góp phần phát triển, thúc đẩy công nghệ khai thác than của Việt Nam trong điều kiện khai thác xuống sâu. Bên cạnh đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, ngoài ý nghĩa về khoa học, còn có tác động lớn đối với kinh tế - xã hội hội thông qua việc đảm bảo kế hoạch khai thác theo yêu cầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, từ kết quả của đề tài đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ đối với ngành khai thác lộ thiên, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giúp kiểm soát chất lượng không khí tại đáy mỏ, nâng cao mức độ an toàn cho người và thiết bị làm việc tại các tầng sâu.

TS Đỗ Ngọc Tước (Viện Khoa học Công nghệ Mỏ)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)