Thứ tư, 27/04/2022 14:21

Tỷ lệ tiếp cận nước sạch: khoảng cách lớn giữa mục tiêu và thực tế thực hiện

Ngày 26/4/2022, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức tọa đàm “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách” với sự tham gia của đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực dịch vụ cấp nước sạch. Tại tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên thực trạng, các vấn đề về chính sách liên quan đến dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam hiện nay và có chung một nhận định: tỷ lệ tiếp cận nước sạch còn có khoảng cách lớn giữa mục tiêu và thực tế thực hiện.

Quyền tiếp cận nước sạch và khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế thực hiện

Quyền tiếp cận nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người được Liên hợp quốc thừa nhận. Theo đó, 01 trong 17 mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, mục tiêu số 06, là “đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước… cho tất cả mọi người”. Nước sạch trong bối cảnh Việt Nam có thể hiểu là nước được cấp từ nguồn nước máy. Cụ thể, Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã: nước sạch là nước máy được sản xuất từ các nhà máy xử lý nước và cung cấp cho người dân, đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng. Năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu: vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93 - 95%.

Tại buổi tọa đàm, đơn vị chủ trì đã đưa ra nhận định: Việt Nam đang có nguy cơ “lỡ hẹn” đối với mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vào năm 2025.  Theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%. Trong khi đó, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan, và 11,4% hộ sử dụng giếng đào được bảo vệ. Đặc biệt, xem xét tỷ lệ này giữa thành thị và nông thôn trên toàn quốc có thể thấy sự chênh lệch rất lớn khi tỷ lệ hộ gia đình tại thành thị tiếp cận được nước máy đạt 84,2% trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.

Ban tổ chức cũng cho biết, nhìn sâu hơn vào bức tranh cụ thể của từng địa phương, tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương với nhau. Có thể chia các tỉnh/thành phố thành ba nhóm gồm (1) tiếp cận cao, (2) tiếp cận trung bình và (3) tiếp cận thấp. Nhóm (1) gồm các địa phương có tỷ lệ tiếp cận nước sạch trên 80% như TP Hồ Chí Minh (91,5%), Thừa Thiên Huế (92,4%), Hải Dương (90,1%), Hải Phòng (85%), Bà Rịa - Vũng Tàu (83,61%); Nhóm (2) gồm các địa phương có tỷ lệ tiếp cận nước sạch 50-79% như Hà Nội (66,5%), Bình Dương (63,38%), Quảng Ninh (64,9%), Nam Định (63,52%); Nhóm (3) gồm các địa phương có tỷ lệ tiếp cận nước sạch dưới 50% như Lâm Đồng (31,9%), Nghệ An (25,9%), Thanh Hóa (28,9%), Thái Nguyên (29,9%)…

Cần có luật về nước sạch

Điểm đặc biệt nhất khiến nước sạch khác với thị trường hàng hóa thông thường khác là: dịch vụ nước sạch là hàng hóa công thiết yếu. Vì là ‘hàng hóa công’, trên nguyên tắc, nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu gồm: đảm bảo quyền tiếp cận (tức là đủ nước cho người dân dùng; tính liên tục (tức là không được để ‘mất nước’); giá cả phải ở mức chấp nhận được. Vì phải xây dựng hệ thống đường ống đưa nước từ các nơi sản xuất đến người tiêu dùng, nên khâu ‘phân phối - tức đường ống’, để đảm bảo hiệu quả kinh tế theo quy mô, thường mang tính ‘độc quyền tự nhiên’. Các đặc điểm này khiến thị trường nước sạch thông thường là thị trường do nhà nước kiểm soát. Nếu không có sự rành mạch trong cấu trúc thị trường thì sự tham gia của doanh nghiệp công và tư có thể bị rối loạn. Việt Nam hiện nay cho phép tư nhân tham gia vào cung cấp nước sạch, nhưng lại không hình thành được sự phân định rõ ràng và nhiều địa phương đang ‘rối’ trong thị trường nước sạch.

Về giá cả, hiện nay giá nước sạch được điều tiết bởi nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Vì vậy, giá nước sạch tại mỗi địa phương là khác nhau do các các yếu tố cấu thành giá bán nước sạch là không giống nhau ở các địa phương. Trên thực tế, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cho rằng mức giá bản lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp; thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh. Trên toàn quốc, nếu như ở thị trường điện trong vòng 10 năm qua có 9 lần điều chỉnh giá điện; thì số lần điều chỉnh giá nước là rất ít; cá biệt có địa phương như Hà Nội không điều chỉnh khung giá nước trong gần 10 năm qua.

Trong tiến trình hướng đến mục tiêu, mọi người bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù chủ thể thực hiện cung cấp dịch vụ công là Nhà nước, tư nhân hay các thiết chế xã hội dân sự thì trách nhiệm đảm bảo cung cấp thực hiện dịch vụ là của Nhà nước. Và 3 nguyên tắc phải tuân thủ để thiết kế thị trường này là “tính liên tục, quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân và giá cả phù hợp”, nghĩa là nếu chưa có nước sạch thì phải đảm bảo cho người dân có nước; với giá cả phải chăng; và không để xảy ra tình trạng mất nước trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, soi chiếu với các nguyên tắc trên, cả về khả năng tiếp cận lẫn tính bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ nước sạch đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Điều đó một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch chưa thực sự hợp lý, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, “tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì đồng thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường (về giá, về khối lương nước được mua dưới công suất). Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm “trục lợi chính sách” cạnh tranh không lành mạnh”. Ông Đồng khuyến nghị: “Cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai”.

TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường. Ông Cung đề xuất, nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt. “Tương tự như ngành điện có Luật Điện lực, cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch” - ông Cung nhấn mạnh.

Đồng ý với các ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước cho người dân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Một văn bản luật như khuyến nghị của ông Nguyễn Đình Cung là cần thiết và Chính phủ nên sớm đề xuất để Quốc hội xem xét. Cùng với đó, cơ chế, chính sách cần được quản lý đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và phải được giám sát thực thi hiệu quả. Ngoài ra, ông Huân nhấn mạnh, việc bảo đảm phòng chống ô nhiễm nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn nguồn nước.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)