Thứ năm, 20/01/2022 12:30

Nâng cao năng lực lãnh đạo cho chủ doanh nghiệp trẻ tại tỉnh Quảng Bình

Nguyễn Hữu Long

Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN

Ngày 26/4/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND tỉnh Quảng Bình đã ký kết chương trình phối hợp với nhiều nội dung thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) cho tỉnh Quảng Bình. Những bước tiến trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trẻ tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp trên tỉnh Quảng Bình đã tạo nền tảng quan trọng giúp tỉnh thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và tỉnh Quảng Bình, là cơ sở để tỉnh hướng đến trở thành điểm sáng về KH, CN&ĐMST theo hướng bền vững tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Những bước tiến trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020

Tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nền tảng, đánh dấu những bước tiến lớn trong các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nhân, doanh nghiệp của của Đảng, Nhà nước. Các tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng phát triển, được xem là trung tâm, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng doanh nghiệp trẻ được thành lập trong giai đoạn 2016-2020 tăng nhanh (biểu đồ 1). Tinh thần quốc gia khởi nghiệp được khơi dậy với 4 “kỳ lân” được hình thành là VNG, VN Life, Sky Mavis, M Sevice [1]. Năm 2016 được Chính phủ lựa chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Đặc biệt, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 844) hướng tới tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy cho doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 với nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước với mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế [2].

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hình 1. Biểu đồ doanh nghiệp trẻ Việt Nam được thành lập giai đoạn 2016-2020.

Thực tiễn triển khai các chính sách nâng cao năng lực cho chủ doanh nghiệp trẻ tại tỉnh Quảng Bình

Quảng Bình là một tỉnh miền Trung Việt Nam, ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía Bắc và cách TP Hồ Chí Minh khoảng 1.200 km về phía Nam, phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (với khoảng 201 km đường biên giới), phía Đông giáp Biển Đông (với khoảng 116 km bờ biển); có Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thông thương với Lào và Thái Lan. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là: 7.999 km²; dân số năm 2020 là 910.984 người [3]. Giai đoạn 2016-2020, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp được tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, bình đẳng để phát triển; thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực hiện các chính sách của Trung ương, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, bình đẳng để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trên toàn tỉnh được để phát triển; tích cực hỗ trợ các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển.

Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Công ty TNHH Tập Đoàn Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam kí kết phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, doanh nhân Quảng Bình

Thực hiện Quyết định 844, ngày 27/11/2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 4319/QĐ-UBND về việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, trong đó có nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN, sở hữu trí tuệ cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định số 5224/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025. Trong quyết định ngày, nội dung đào tạo nâng cao năng lực được UBND tỉnh triển khai theo thông tư 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức ngân sách tỉnh bố trí hằng năm dự kiến là 500 triệu đồng.

Như vậy, việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, cho chủ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp là việc làm được tỉnh Quảng Bình dành sự quan tâm, chú trọng từ rất sớm (từ năm 2017), triển khai theo đúng các chủ trương, chính sách của Trung ương, góp phần quan trọng cho việc tăng nhanh về lượng và chất của các doanh nghiệp trẻ trong giai đoạn 2016-2020. Tính đến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 7.020 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 81.800 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016-2020, có hơn 3.000 doanh nghiệp được thành lập, nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,13% [4].

Nâng cao năng lực lãnh đạo cho chủ doanh nghiệp trẻ là chính sách quan trọng

Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55% thì hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp là chính sách cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên cần triển khai đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm nguồn lực từ Trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 đang còn phức tạp thì tài sản vô giá của doanh nghiệp là trí tuệ, năng lực lãnh đạo của chủ các doanh nghiệp trẻ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đất nước, khởi tạo mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, thích ứng với đại dịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp tham gia khoá đào tạo Nâng cao năng lực lãnh đạo cho chủ các doanh nghiệp trẻ Quảng Bình

Quảng Bình là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, được ví như một viên ngọc xanh đang cất cánh với rất nhiều dự án được trong và ngoài nước đầu tư. Trong giai đoạn 2016-2020, tuy có chuyển biến nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, năng suất lao động thấp, đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đang ở thứ hạng thấp (năm 2020 xếp hạng thứ 52, ở mức trung bình) [5], quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao. Trước tình hình ngày càng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, việc nâng cao năng lực lãnh đạo cho chủ doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là điều rất cần thiết trong giai đoạn 2021-2025.

Để có cơ sở xây dựng chính sách nâng cao năng lực lãnh đạo cho chủ các doanh nghiệp, doanh nghiệp trẻ giai đoạn 2021-2025, bên cạnh tham khảo thêm các mô hình phát triển năng lực lãnh đạo hiệu quả trên thế giới và trong nước, tỉnh cần đánh giá hiệu quả triển khai Quyết định số 4391/QĐ-UBND, Quyết định số 5224/QĐ-UBND. Đồng thời, triển khai hiệu quả Quyết định 188/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 19/2/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 844, Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ sáng tạo khoa học và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, từ đó thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhân rộng các mô hình tăng trưởng nhanh, thích ứng với đại dịch, tập trung vào mô hình công nghệ mới, có sức cạnh tranh với các tỉnh và thế giới. Nâng cao năng lực lãnh đạo cho chủ doanh nghiệp trẻ là chính sách quan trọng để giúp doanh nghiệp của tỉnh tăng về “lượng”, mạnh về “chất”, giúp Quảng Bình tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hướng đến trở thành điểm sáng về KH, CN&ĐMST theo hướng bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2021-2025, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình khoá XVII và chương trình phối hợp số 636/CTPT-BKH&CN-UBND ngày 26/4/2021 giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Bình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Báo Lao động, https://laodong.vn/kinh-te/ky-lan-cong-nghe-viet-4-doanh-nghiep-ky-lan-nhung-van-ngheo-991163.ldo, truy cập ngày 4/1/2022.

[2] Quốc hội (2021), Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

[3] Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình (2020), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Bình năm 2020, Nhà xuất bản thống kê.

[4] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (2020), Báo cáo 450-BC/TC báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khoá XVI tại tại Đại hội Đại biểu tỉnh Quảng Bình khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2025.

[5] Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, https://pcivietnam.vn/bang-xep-hang, xem ngày 11/20/2021.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)