Thứ tư, 05/01/2022 15:02

TP Hồ Chí Minh: Đổi mới sáng tạo hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh vừa trải qua những mất mát và khó khăn chưa từng có. Tác động bất lợi từ bối cảnh đã ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của một TP năng động vẫn được khẳng định, đóng góp vào giải quyết các vấn đề thực tiễn và quá trình phục hồi kinh tế của TP.

Dưới đây là chia sẻ của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của TP trong năm qua cùng những trọng tâm hướng tới trong năm mới 2022.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động KH,CN&ĐMST của TP trong năm qua?

Chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thách thức với cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng. Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP vẫn có những điểm sáng nổi bật. Điển hình là lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào TP trong năm 2021 đạt 1,2 tỷ USD cho hơn 37 dự án khởi nghiệp (cao nhất từ trước đến nay), chiếm hơn 60% lượng vốn đầu tư mạo hiểm của cả nước cũng như 70% số dự án trên toàn quốc. Với vị thế là TP lớn nhất của Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thu hút đa dạng các nguồn lực của xã hội; số lượng startup đang hoạt động trên địa bàn ước tính khoảng 2.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 50% so với cả nước, trong đó số startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tới hơn 65%.

Để phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ KH&CN được Sở điều chỉnh phương thức tổ chức thực hiện, nên nhìn chung vẫn đảm bảo tiến độ, xuyên suốt, liên tục, đúng với kế hoạch đã đề ra, cơ bản hoàn thành các nội dung công việc được Thành ủy, UBND TP giao, góp phần thực hiện tốt chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Trong đó, Sở đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động KH,CN&ĐMST hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể trong công tác phòng chống dịch Covid-19, hoạt động KH,CN&ĐMST của TP đã có sự đồng hành như thế nào, thưa ông?

Để kịp thời ứng phó với dịch bệnh, Sở KH&CN đã tập trung triển khai các hoạt động cụ thể: (1) Tổ chức và triển khai các nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ phòng, chống dịch như: nghiên cứu thiết kế và chế tạo Module Container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến; nghiên cứu thiết kế và chế tạo Module Container cách ly điều trị áp lực âm dã chiến cho bệnh nhân Covid, áp dụng trong bệnh viện tuyến đầu phòng chống dịch; xây dựng giải pháp tổng thể về hệ thống bảo vệ an toàn nhân viên y tế, người bệnh trong các cơ sở điều trị tại Việt Nam; nghiên cứu chế tạo vật liệu Nano Berberin làm chất kháng vi khuẩn Helicobacter pylori, virus cúm A và SARS-CoV-2 hướng đến dùng trong chế phẩm bảo vệ sức khỏe; tạo và đánh giá hoạt tính ức chế virus SARS-CoV-2 của protein ACE2; nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222); đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc Sâm Thảo Can khương trên bệnh nhân mắc Covid-19 thể bệnh nhẹ và trung bình; (2) Thực hiện Chương trình hỗ trợ tăng tốc, ươm tạo cho 4 dự án khởi nghiệp về hệ thống quản lý trường học tích hợp chức năng rửa tay và đo nhiệt độ cho học sinh tại các trường học; chế tạo hệ thống cung cấp dịch vụ và giao dịch thanh toán tự động theo công nghệ 4.0; phát triển thiết bị đọc spot-check PCR, dùng để xét nghiệm và phát hiện mẫu Covid-19; bộ test kit CRE giúp phát hiện nhiễm trùng, phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh CRE; (3) Triển khai áp dụng một số giải pháp nhằm cung cấp các tiện ích theo hướng hỗ trợ việc kiểm soát dịch sớm, nhanh, chính xác và triệt để như: giải pháp phục vụ công tác quản lý, giám sát dịch bệnh (ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19 cho TP Thủ Đức và 11 quận, huyện; hệ thống quản lý data matrix - giải pháp quản lý rủi ro cho chương trình tiêm ngừa vắc xin Covid-19 trong cộng đồng); giải pháp về xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ cộng đồng (dữ liệu Gis covid-19 với 5 lớp dữ liệu Covid-19 Việt Nam và thế giới - hiện hệ thống có hơn 2.874 người dùng); xây dựng GIS Dashboard về tình hình dịch bệnh Covid-19 (hiện đã thu hút hơn 4.000 lượt truy cập)...

Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức các chương trình/cuộc thi/hội thảo trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến, tìm kiếm các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, tiêu biểu như: Chương trình “Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh năm 2021 (HIS-COVID 2021)”; Cuộc thi trực tuyến “Lập trình sáng tạo - Việt Nam quyết thắng đại dịch Covid-19” cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 9; Cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2021 (I-STAR 2021), các hội thảo/sự kiện trực tuyến giới thiệu các mô hình, giải pháp công nghệ hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 trong công sở, các khu công nghiệp, trường học... Thông qua các hội thảo, sự kiện, các chuyên gia công nghệ đã đề xuất nhiều giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), các giải pháp camera tầm nhiệt tự động nhận dạng, đo nhiệt độ, đếm số người, ki-ốt thông minh hỗ trợ đăng ký, tra cứu thông tin… để hỗ trợ kiểm soát dịch Covid-19.

Trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2021 (I-STAR 2021) do Sở KH&CN tổ chức.       

Xin ông cho biết những hoạt động trọng tâm về KH,CN&ĐMST của TP trong năm tới?

Trong thời gian tới, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án khác nhau, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính: i) Tổ chức nghiên cứu xây dựng các bài toán lớn đặt hàng cụ thể theo 5 chương trình KH,CN&ĐMST được TP phê duyệt. Ưu tiên tập trung đặt hàng các bài toán ứng dụng KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực quản trị công của TP; ii) Hình thành và tổ chức vận hành đề án Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh; iii) Hình thành, tổ chức vận hành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh; hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của TP làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP; iv) Tiếp tục tham mưu một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn các dự án, chương trình sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay của cộng đồng xã hội, cũng như các doanh nghiệp - viện nghiên cứu - trường đại học để tạo ra mạng lưới đổi mới sáng tạo mở, phục vụ cho phát triển KH,CN&ĐMST của TP.

Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc hoạt động KH,CN&ĐMST của TP ngày càng phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)