Thứ ba, 14/12/2021 14:34

Nhiều giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ

Nhiều giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đã được công bố tại Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (Chương trình Tây Nam Bộ) giai đoạn 2014-2020, do Đại học Quốc gia TP Hồ chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức trực tuyến sáng 8/12 dưới sự hỗ trợ của Bộ KH&CN.

Cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển vùng

Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2019 (gia hạn đến hết năm 2020) được triển khai theo quyết định của Bộ KH&CN. Chương trình nhằm thực hiện 3 mục tiêu cơ bản, đó là cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ. Chương trình Tây Nam Bộ do 2 cơ quan đồng chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Viện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn và phát triển bền vững; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường.

Chương trình đã tập hợp được đội ngũ các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cả nước tham gia thực hiện. Chương trình đã phê duyệt 62 nhiệm vụ (đề tài, dự án), trong đó 21 đề tài khoa học xã hội và nhân văn, góp phần quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nam Bộ, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học, công nghệ và môi trường đã và đang chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã đóng góp xây dựng 2 chuyên đề “Phát triển các chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và chuyên đề: “Các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đóng góp thiết thực cho xã hội

Nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế của vùng Tây Nam bộ, Chương trình đã có những nghiên cứu và  chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước. Điển hình phải kể đến kết quả của các đề tài/dự án tiêu biểu như: Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành); Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước; Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng Sông Cửu Long (MGIS); Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Kông; Nghiên cứu tạo, chọn các giống lúa chống chịu mặn thích nghi với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Nghiên cứu giải pháp khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa của các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu; Sản xuất túi dự trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho dân cư ở các vùng chịu thiệt hại xâm nhập mặn và thí điểm tại tỉnh Bến Tre; Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu; Nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long.

Túi trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt - một sản phẩm hiệu quả mà Chương trình mang lại.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phải kể đến các đề tài như: Hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ, đã đề xuất các mô hình, gợi ý lựa chọn mô hình hợp tác xuyên biên giới và đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ theo xu hướng phát triển bền vững; Phát triên nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ cho thấy để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2035, Tây Nam Bộ phải huy động được quy mô nhân lực tăng gấp 5 lần quy mô nhân lực của năm 2015, do đó các tỉnh vùng Tây Nam bộ phải có những chính sách, cơ chế đột phá để đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong nội vùng. Bên cạnh đó, cần cải thiện cả chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng, logistic và có một thị trường việc làm tương xứng với tiềm năng của vùng, trên cơ sở đó nâng cao năng suất nhằm cải thiện nguồn thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động, các hộ gia đình, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.

Cần thêm trợ giúp để Tây Nam Bộ phát triển bền vững

Tại Hội nghị, một số ý kiến kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định tiếp tục triển khai Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, cần tăng cường nghiên cứu, phát triển các giải pháp KH&CN liên ngành nhằm thúc đẩy liên kết vùng; nâng cao năng lực quản lý kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa nông - thủy sản và dịch vụ chủ lực của khu vực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng trong các mặt hàng nông - thủy sản; nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

PGS.TS Phan Thanh Bình - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, thứ nhất ở cấp quốc gia, chúng ta phải định vị lại Chương trình, xác định lại tư thế pháp lý của Chương trình, nhận thức và cơ chế quản lý nhà nước đối với Chương trình này, thống nhất ở trong chiến lược phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long; thứ hai về vấn đề quản lý vùng, Chương trình cần gắn với vùng, sự tham gia của các viện, trường trong khu vực...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, để phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt cùng các địa phương vùng Tây Nam Bộ để tổ chức triển khai xây dựng chương trình cho giai đoạn 5 năm, 10 năm tới dựa trên các trụ cột khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của khu vực.

Phong Vũ - Từ Diệp Công Thành

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)