Thứ hai, 22/11/2021 14:15

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Đảm bảo an toàn, sức khoẻ người lao động là quyền hiến định, là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, là thước đo tiến bộ, văn minh của xã hội. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đã được các doanh nghiệp sử dụng lao động đặc biệt quan tâm. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc gia “Khoa học an toàn vệ sinh lao động: Thách thức và cơ hội để phát triển bền vững” do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức ngày 16-17/11/2021 tại Hà Nội.

Thách thức về an toàn vệ sinh lao động

Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu này cùng với những đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước về lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quan tâm đầy đủ hơn, điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động từng bước được cải thiện; nhiều ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ) như khai khoáng, điện, xây dựng… đã giảm tần suất TNLĐ. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đặt ra những thách thức mới về ATVSLĐ; nhiều nguy cơ, rủi ro mới về ATVSLĐ cùng với tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn có diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2020 cả nước xảy ra 8.380 vụ TNLĐ, làm 8.610 người bị nạn, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trong đó số người chết vì TNLĐ 966 người (giảm 1,34% so với năm 2019), số vụ TNLĐ chết người 919 vụ (giảm 0,87% so với năm 2019)… Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động (chiếm 17,43% tổng số vụ và 16,52% tổng số người chết); thiết bị không đảm bảo an toàn lao động (chiếm 11,93% tổng số vụ và 11,3% tổng số người chết); người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm an toàn (chiếm 2,75% tổng số vụ và 2,61% tổng số người chết)...

Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN đảm bảo ATVSLĐ

Theo ông Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ, việc phát triển mạnh mẽ của KH&CN, đặc biệt là thành tựu cuộc cách mạng công  nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa sẽ làm xuất hiện những thay đổi nhanh chóng về quy trình và tổ chức lao động, điều kiện làm việc. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác ATVSLĐ cũng có những xu hướng phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế, của hoạt động sản xuất. Ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ ảnh hưởng và biến đổi các cấu trúc kinh tế - xã hội toàn cầu. Các hình thức việc làm truyền thống đang được thay thế bằng các hình thức mới và những nguy cơ rủi ro mới đối với tính mạng, sức khỏe của người lao động trước đây sẽ dần thay thế cho những nguy cơ rủi ro đã được nhận biết. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19, nên công tác đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động không chỉ còn là phòng ngừa những nguy cơ rủi ro do sản xuất bên trong đem lại, mà còn phải kết hợp với những nguy cơ dịch bệnh bên ngoài tác động ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người lao động. Hiện nay, với chức năng của một viện trọng điểm đầu ngành về ATVSLĐ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Viện Khoa học ATVSLĐ đang tiến hành gấp rút thực hiện một dự án KH&CN nhằm kiểm soát nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, môi trường và người lao động trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát COVID-19; đồng thời triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ y tế thông qua “Phòng y tế từ xa” hỗ trợ điều trị cho người lao động bị nhiễm Sars-Cov-2, tư vấn tâm lý, cũng như rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phục vụ cho kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ và Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ phát biểu tại Hội thảo.

Đồng tình với quan điểm trên, các đại biểu đều cho rằng, để đảm bảo ATVSLĐ trong thời gian tới, việc xây dựng văn hóa an toàn lao động, lấy phương trâm phòng ngừa là chính. Trong thời gian gần đây, trên thế giới vấn đề văn hóa an toàn và văn hóa phòng ngừa đang được đề cập mạnh mẽ về ý nghĩa nhân đạo, quan niệm và các ứng xử của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm ATVSLĐ. Việc chủ động phòng ngừa các nguy cơ gây ra TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng được Tổ chức An sinh xã hội quốc tế (ISSA) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đề ra trong hoạt động đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân tích các nguy cơ mới xuất hiện trong sản xuất: các thành tựu phát triển của  KH&CN đã mang lại nhiều sự thay đổi tích cực trong đó có các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, sẽ có những ngành nghề, việc làm được thay thế bằng những công việc, ngành nghề mới; tự động hóa, Robot hóa, tin học hóa, internet vạn vật... sẽ ngày càng thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Vì vậy, bên cạnh các yếu tố nguy hiểm và có hại truyền thống sẽ xuất hiện những yếu tố nguy hiểm, có hại mới gây ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của người lao động và chúng cần được nghiên cứu, phân tích kỹ để có các biện pháp phòng ngừa phù hợp.  Đặc biệt, cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ nghiêm các quy trình, nội quy làm việc an toàn tại nơi làm việc; chủ động và tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp, sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát, nhằm bảo vệ sức khỏe tính mạng người lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp, và xã hội.

Nguyễn Anh Quân

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)