Thứ hai, 28/06/2021 15:17

Fintech: Nắm bắt xu hướng để phát triển

Nguyễn Thu Hiền

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngày nay, các ứng dụng của công nghệ tài chính (Financial Technology - Fintech) đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, tín dụng…, ảnh hưởng đến cơ cấu thị trường và chiến lược phát triển của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Các công ty Fintech đã làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống thông qua xu thế phát triển của các kênh giao dịch trực tuyến như internet banking, mobile banking, mạng xã hội, ngân hàng điện tử… Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển, Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Cơ hội và thách thức

Ngày nay xu hướng phát triển của các Fintech không chỉ tập trung cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng cũ theo một phương thức mới mà đang có chiều hướng ngày càng đa dạng. Đặc biệt, tác động của cách mạng công nghệ số đến sự phát triển của hệ thống ngân hàng ngày càng rõ nét với việc xuất hiện của hàng loạt sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, cũng như sự ra đời các kênh phân phối dịch vụ ngân hàng mới dựa trên nền tảng công nghệ tài chính - Fintech. Điều này mang lại cho các tổ chức tài chính, ngân hàng những cơ hội để thay đổi cũng như nhiều thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh ngân hàng không còn là ưu tiên trong cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng. Nếu như các hệ thống ngân hàng lõi được thiết kế vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX không linh hoạt, không tập trung vào khách hàng thì các mô hình ngân hàng kỹ thuật số được xây dựng dựa trên các giải pháp Fintech nhằm tối ưu hóa trải nghiệm, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Những tiện ích cơ bản mà một ngân hàng cung cấp luôn sẵn có tại mọi thời điểm trong không gian kỹ thuật số thông qua các ứng dụng dịch vụ được dễ dàng tải về điện thoại di động, hoặc được thực hiện trực tuyến trên Internet mà không còn phụ thuộc vào hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng trong kỷ nguyên số sẽ không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó yếu tố công nghệ sẽ trở thành lợi thế cho các ngân hàng, nhất là đối với cả các ngân hàng có quy mô nhỏ mà trước đây rất khó khăn trong cuộc đua mở rộng thị phần. 

Thứ hai, sự dịch chuyển của khách hàng sử dụng dịch vụ từ các kênh truyền thống sang kênh điện tử, trực tuyến. Công nghệ di động đã làm chuyển dịch nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng sang các kênh giao dịch trực tuyến và điện thoại di động thông minh thay vì phải tới các chi nhánh của ngân hàng để thực hiện các thủ tục rườm rà. Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2020 cho thấy, sự dịch chuyển nhu cầu thanh toán của khách hàng từ kênh truyền thống sang kênh điện tử đã vượt ngưỡng 50% trên toàn cầu, trong đó kênh thanh toán điện tử đã trở thành kênh chủ đạo tại các nước phát triển với tỷ lệ gần 90% khách hàng trưởng thành có tài khoản sử dụng. Đây cũng chính là cơ hội cho các tổ chức tài chính và ngân hàng quy mô nhỏ thu hút thêm đối tượng khách hàng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại các nước đang phát triển. Theo Báo cáo chỉ số toàn cầu (Global Index Report) năm 2019, hiện nay vẫn có khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới không có cơ hội tiếp cận và sở hữu một tài khoản thanh toán, hơn 200 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ (MSMEs) cũng không được tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức. Thực tế cho thấy, mặc dù với thu nhập rất thấp (ở ngưỡng vài USD/ngày) nhưng ngày càng có nhiều người trong tầng lớp thu nhập này có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ Internet hay điện thoại di động. Theo dữ liệu của Công ty GSMA Intelligence (2016), số người có điện thoại di động tại các nước đang phát triển là 80% năm 2014 (so với tỷ lệ 55% người có tài khoản ngân hàng) và đến năm 2020, con số này đã là 90%. Đối với nhiều người trong số này, đặc biệt là những người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…, Internet hay công nghệ di động sẽ trở thành cánh cửa cho họ cơ hội tiếp cận đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng chính thống.

Thứ ba, sự chuyển hướng sang các giải pháp ngân hàng hợp kênh (Omni - channel banking). Hiện nay, ở nhiều quốc gia phát triển, chi nhánh ngân hàng với không gian giao dịch hiện đại, tiện lợi với những màn hình tivi, máy tính bảng cỡ lớn giúp khách hàng tự tương tác và trải nghiệm dịch vụ mà không cần đến sự trợ giúp của giao dịch viên truyền thống ngày càng trở nên phổ biến. Việc xây dựng các chi nhánh ngân hàng chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa theo hướng phát triển các thiết bị tự phục vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine learning). Trong tiến trình của cuộc cách mạng công nghệ số, các tổ chức tài chính đã không còn tập trung vào việc phát triển ngân hàng đa kênh nữa mà chuyển hướng sang phát triển giải pháp ngân hàng hợp kênh, vốn được thiết kế để nâng cao tối đa trải nghiệm của khách hàng. Thông qua giải pháp ngân hàng hợp kênh, khách hàng có thể truy cập các dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi thiết bị có kết nối Internet theo thời gian thực; đồng thời có thể trải nghiệm sự đồng bộ và liền mạch dịch vụ trên mọi kênh giao dịch Internet Banking, Mobile Banking, ATM... Phương pháp tiếp cận này còn cho phép các ngân hàng phân tích dữ liệu về các hoạt động của khách hàng thông qua các kênh khác nhau, qua đó dự đoán chính xác hơn nhu cầu và sở thích của khách hàng cũng như tăng cường khả năng giao tiếp hiệu quả hơn với khách hàng; đồng thời, làm tăng hiệu quả và cải thiện hiệu suất hoạt động nhờ thay thế các quy trình xử lý thủ công bằng các giao dịch kỹ thuật số.

Thứ tư, sự xuất hiện và tham gia mạnh mẽ của các công ty Fintech vào thị trường tài chính - ngân hàng. Sự bùng nổ của các giải pháp Fintech do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính. Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, các công ty Fintech đã và đang thu hút được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vốn không có tài khoản ngân hàng. Xu thế chủ đạo trong thời gian qua vẫn là mô hình kết hợp giữa Fintech và ngân hàng. Sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng tạo ra các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chất lượng cao, nhiều trải nghiệm và tiện ích hơn, thời gian xử lý nhanh hơn trong khi chi phí dịch vụ lại có thể thấp hơn, nhờ đó ngân hàng có thể thu hút được thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng.

Mặc dù đã có sự phát triển đáng kể, song việc phát triển Fintech trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam vẫn còn đứng trước những thách thức bao gồm: (i) thói quen thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến và lo ngại các dịch vụ tài chính mới dựa trên công nghệ, (ii) thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn hạn chế trong khu vực công; (iii) khuôn khổ pháp lý không theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ, (iv) phí dịch vụ thanh toán qua biên giới vẫn cao, dịch vụ thanh toán qua biên giới vẫn còn là thách thức lớn, (v) hiểu biết của khách hàng và đào tạo khách hàng còn hạn chế…

Nắm bắt xu hướng để phát triển

Không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech. Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ các startup Fintech mới vào cuộc, mà nhiều ngân hàng thương mại đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank… nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt. Đến nay, Việt Nam đã có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số (2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus,VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay…). Một số ít công ty hoạt động trong lĩnh vực gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado, Firststep), chuyển tiền (Matchmove, Cash2vn, Nodestr, Remittance Hub), Blockchain (Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin, Copyrobo, Cardano Labo), quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS, quản lý dữ liệu, cho vay và so sánh thông tin (Mobivi, Money Lover, Timo, kiu, Loanvi, Tima, TrustCircle, Hottab, SoftPay, ibox, BankGo, gobear…). Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam còn khá ít (Indonesia có 120, Singapore có hơn 300 công ty…).

Việt Nam với gần 67% dân số hiện đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng hay mạng lưới ATM của các ngân hàng có độ bao phủ thấp do hiệu quả kỳ vọng mang lại so với chi phí đầu tư thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của các ngân hàng. Do không thể tiếp cận dịch vụ của các ngân hàng nên trên thực tế hiện nay, người dân sinh sống ở các khu vực này đang phải sử dụng các kênh thanh toán, chuyển tiền không chính thức có độ an toàn thấp.

Thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng Internet, đứng thứ 6 khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương và 13 trên thế giới. Sự am hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin của người trẻ, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp… là những yếu tố thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng dựa trên nền tảng Fintech tại Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, sự đổi mới sáng tạo của Fintech không chỉ đem lại những lợi ích to lớn đối với các tổ chức ngân hàng - tài chính mà nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ  đối với các quốc gia trong cách ứng xử và quản lý hoạt động này. Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của Fintech - một lĩnh vực hoàn toàn mới đã khiến hệ thống tài chính của các quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin...

Diễn đàn công nghệ tài chính Việt Nam xác định công nghệ sẽ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng.

Sớm nhận thức được sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng của lĩnh vực Fintech trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã sớm thành lập Ban chỉ đạo Fintech1 vào tháng 3/2017 với mục đích nghiên cứu chuyên sâu về các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng mới cũng như đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) để hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty Fintech hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế công nghệ để mang sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng đến gần hơn với đối tượng vốn ít hoặc chưa có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, từ đó nâng cao phổ cập tài chính quốc gia.

Để từng bước xây dựng các chính sách quan trọng trong trung và dài hạn cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, điều quan trọng nhất lúc này là cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển Fintech; tập trung nghiên cứu và đưa ra giải pháp quản lý đối với một số vấn đề trọng tâm như việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain)/Sổ cái phân tán (DLT); cho vay ngang hàng (P2P Lending); định danh khách hàng điện tử (e-KYC); giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và thanh toán điện tử (e-payments). Bên cạnh đó, cần sớm hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech (Innovation Hub) với sự hợp tác của một số ngân hàng và doanh nghiệp lớn với ba hoạt động chính là: (i) tạo không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech với cơ sở vật chất đầy đủ, đạt chuẩn quốc tế; (ii) mời chuyên gia giàu kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech hoàn thiện giải pháp, mô hình kinh doanh đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và được thị trường chấp nhận; (iii) hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ về vốn cho hoạt động của những doanh nghiệp này.

Có thể khẳng định, Fintech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, góp phần thay đổi bộ mặt của lĩnh vực tài chính trên thế giới. Với điều kiện hiện tại của Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, thì triển vọng phát triển Fintech tại Việt Nam là rất lớn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý rủi ro, đặc biệt là an ninh thông tin và an ninh mạng cho ngành tài chính.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)