Thứ hai, 01/03/2021 10:29

Vốn nhân lực của Việt Nam: Yếu tố thành công và thách thức trong tương lai

Thành công của Việt Nam trong giáo dục phổ thông và kết quả học tập đã để lại ấn tượng với các nhà hoạch định chính sách giáo dục trên toàn thế giới. Mặc dù mức độ phát triển của kinh tế đất nước còn thấp, học sinh Việt Nam nhìn chung vẫn vượt trội so với học sinh các nước OECD. Những yếu tố nào đã giúp Việt Nam đạt được thành công như vậy? Báo cáo “Vốn nhân lực Việt Nam: Thành tựu giáo dục và thách thức trong tương lai” của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hệ thống giáo dục của Việt Nam có những điểm tương đồng với các hệ thống giáo dục thành công khác ở Đông Á. Ngoài những yếu tố dẫn đến thành công, báo cáo cũng đề cập đến những thách thức mà hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện đang phải đối mặt để phát huy tối đa tiềm năng của nền kinh tế tri thức.

Những yếu tố tác động tới thành công

Những thành công của Việt Nam trong tiếp cận giáo dục phổ thông và nâng cao kết quả học tập đã để lại ấn tượng với các nhà hoạch định chính sách giáo dục trên toàn thế giới. Dù mức độ phát triển của kinh tế đất nước còn thấp, học sinh Việt Nam nhìn chung vẫn vượt trội so với học sinh các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Bí quyết đằng sau thành công này là gì? Sau nhiều thập kỷ thuộc địa và xung đột, Việt Nam đã nỗ lực trở thành con rồng đang trỗi dậy ở khu vực châu Á trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, trong đó có giáo dục.

Báo cáo của  cho thấy hệ thống giáo dục của Việt Nam có chung đặc điểm với các hệ thống giáo dục thành công khác ở Đông Á, đó là cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với công cuộc phát triển giáo dục, các cơ chế hỗ trợ mang tính trách nhiệm giải trình cao; chi tiêu công tương đối cao với trọng tâm là đầu tư vào giáo dục phổ thông, các yếu tố đầu vào cơ bản và công bằng trong giáo dục, tỷ lệ chi tiêu cao cho giáo dục của các hộ gia đình; thu hút và hỗ trợ giáo viên có trình độ; đầu tư mạnh vào giáo dục mầm non; cũng như sử dụng kết quả đánh giá một cách chiến lược. Cam kết kiên định của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện cơ hội học tập cho tất cả mọi người, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao đối với trường học, được hỗ trợ bởi hệ thống báo cáo và giám sát nội bộ cũng như bên ngoài hiệu quả, đã góp phần mở rộng và không ngừng cải tiến hệ thống giáo dục.

Việt Nam luôn ưu tiên đầu tư vào phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục cơ bản. Chi tiêu công cũng được phân bổ theo hướng công bằng, đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả học tập cao và tương đối đồng đều của Việt Nam. Tỷ lệ chi tiêu cao cho giáo dục của các hộ gia đình cũng góp phần đầu tư bổ sung vào giáo dục.

Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên có trình độ thông qua các cơ chế ưu đãi và bồi dưỡng thường xuyên.

Chính sách đầu tư mục tiêu cho giáo dục mầm non đã giúp Chính phủ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Để tăng khả năng tiếp cận, Chính phủ cũng đồng thời vận động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục mầm non.

Việt Nam đã thiết lập chuẩn đánh giá học sinh dựa trên các thông lệ tốt quốc tế và sử dụng kết quả đánh giá để cải thiện hệ thống. Chẳng hạn, trên cơ sở kết quả PISA 2012, Việt Nam đã thay đổi khuôn khổ pháp lý cho các kỳ thi quy mô lớn nhằm đa dạng hóa phương thức kiểm tra, cải thiện chất lượng công cụ kiểm tra và tạo tiền đề cho đánh giá dựa trên năng lực.

Việt Nam cũng có lợi thế liên quan đến các khía cạnh văn hóa như tinh thần coi trọng giáo dục, kỳ vọng cao của các bậc cha mẹ và môi trường kỷ luật cao đối với giáo viên và học sinh. Ngoài một số yếu tố văn hóa xã hội đặc thù có thể không dễ dàng lặp lại ở các quốc gia khác, những yếu tố khác liên quan đến hoạch định chính sách là điều mà lãnh đạo các quốc gia khác có thể tham khảo.

Thách thức

Ngoài việc phân tích những yếu tố dẫn đến thành công, Báo cáo cũng đã chỉ ra những thách mà hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt trong việc đưa đất nước trở thành nền kinh tế tri thức, đó là:

Thứ nhất, tỷ lệ tiếp cận giáo dục trung học còn thấp và không công bằng.

Thứ hai, mặc dù Chính phủ đã cam kết cải thiện chất lượng giáo dục thông qua tăng cường phương thức giảng dạy dựa trên năng lực, cải cách chương trình và sách giáo khoa nhưng vẫn còn thiếu những hướng dẫn rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi cho phương thức giảng dạy dựa trên năng lực này.

Thứ ba, cùng với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để nâng cao trình độ học vấn và phương châm học tập suốt đời, để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Hệ thống giáo dục sau phổ thông còn nhiều bất cập mang tính cơ cấu, bao gồm thiếu kinh phí và chiến lược toàn ngành không đủ mạnh. Chính phủ đã nhận thức được những điểm yếu này và cam kết khắc phục để tiếp tục củng cố nguồn nhân lực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)