Thứ hai, 04/01/2021 14:40

Trường Đại học Cần Thơ và sứ mệnh phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL

GS.TS Hà Thanh Toàn

Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ

Tiền thân là Viện Đại học Cần Thơ được thành lập năm 1966, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Cần Thơ đã trở thành một trong số ít các trường đại học tiên phong trong lĩnh vực đào tạo đa ngành, định hướng ứng dụng được Chính phủ xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia và là 1 trong 3 trường đại học tại Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế của hệ thống các trường đại học ASEAN; đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, đất nước nói chung.

Trọng điểm về đào tạo nguồn nhân lực

Là một trong những đơn vị đào tạo đại học có uy tín và là trường trọng điểm của khu vực ĐBSCL, những năm qua, Trường Đại học Cần Thơ đóng  vai trò quan trọng đối với việc đào tạo và phát tiển nguồn nhân lực cho các tỉnh/thành phố trong khu vực và cả nước.

Tính đến năm 2020, Trường Đại học Cần Thơ đang đào tạo 99 ngành/chuyên ngành trình độ đại học với quy mô 42.635 sinh viên (trong đó 34.172 sinh viên chính quy). Đối với bậc đào tạo sau đại học, Nhà trường đang đào tạo 48 ngành trình độ ThS và 19 chuyên ngành trình độ TS với gần 2.000 học viên cao học và 291 nghiên cứu sinh. Trong năm học vừa qua, Nhà trường đã cung cấp một nguồn lao động lớn có trình độ cao cho xã hội (đặc biệt là vùng ĐBSCL) với hơn 9.000 cử nhân, kỹ sư, ThS và TS. Với những cố gắng, nỗ lực và định hướng phát triển của tập thể Nhà trường, trong những năm qua, Trường đã hoàn thành kiểm định chất lượng và công nhận chất lượng nội bộ 15 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA. Đặc biệt trong năm 2020, Tổ chức Quacquarelli Symonds về xếp hạng đại học theo lĩnh vực đã xếp Trường Đại học Cần Thơ vào nhóm đầu tại Việt Nam và hạng 251-300 trên thế giới ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp.

Trước nhu cầu hội nhập, công tác đào tạo của Trường tiếp tục phát triển theo hướng mở rộng ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao và đào tạo quốc tế. Liên kết đào tạo trong và ngoài nước không ngừng được mở rộng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu học tập của xã hội. Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hàng năm đạt bình quân trên 90%. Là một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm thu hút ngày càng đông sinh viên trong và ngoài nước tham gia học tập và nghiên cứu tại Trường. Hiện tại, Trường có 53 đơn vị trực thuộc gồm: 16 khoa, 3 viện nghiên cứu, 18 trung tâm, 14 phòng/ban chức năng, 1 Trường THPT và 1 công ty với 1.811 cán bộ quản lý, giảng viên và người lao động (trong đó có 11 GS, 129 PGS, 431 TS và 763 ThS…). Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, năm học 2019-2020, Trường đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng việc ban hành chương trình đào tạo mới, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; chú trọng chất lượng dạy ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý.

Tiên phong trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Phát huy lợi thế của trường đại học đa ngành, từ năm 2015 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ đã tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: (1) Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản và môi trường; (2) Khoa học giáo dục, luật và xã hội nhân văn; (3)  Công nghệ và công nghệ thông tin - truyền thông; (4) Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; và (5) Phát triển kinh tế, thị trường.

Giai đoạn 2015-2019, Trường đã thực hiện 1.389 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (7 đề tài cấp nhà nước, 84 cấp bộ, 161 cấp địa phương và 1.131 đề tài cấp cơ sở) cùng nhiều đề tài hợp tác quốc tế quy mô lớn. Năng lực nghiên cứu khoa học và hiệu quả chuyển giao công nghệ không ngừng được nâng cao, các đề tài/dự án khoa học công nghệ có tính liên ngành được đẩy mạnh. Số lượng đề tài, nội dung nghiên cứu có tính ứng dụng ngày càng cao, số lượng công trình nghiên cứu được công bố trong và ngoài nước liên tục gia tăng. Đặc biệt, Trường đã chú trọng phát triển nhiều lĩnh vực mới trong kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học giáo dục... Hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng gắn kết hơn với các địa phương. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường đã tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương như Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, việc tiếp cận và tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cũng góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong Trường nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Với sự tham gia ngày càng nhiều các đề tài/dự án thuộc cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội đã giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.

Hoạt động chuyển giao công nghệ của Nhà trường với các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL đã tập trung giải quyết các vấn đề thực tế sản xuất như: bảo vệ thực vật, khảo nghiệm giống mới, sản xuất cây/con giống, cải tạo đất, cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, vệ sinh và nước sạch nông thôn, bảo vệ môi trường... Thông qua các chương trình hợp tác, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế to lớn và thiết thực cho người dân. Hiện tại, hơn 60 sản phẩm và quy trình công nghệ do Trường nghiên cứu đã chuyển giao và sẵn sàng chuyển giao vào sản xuất như: quy trình và sản phẩm phân hữu cơ từ các nguyên liệu chính như phân cá tra, cá chết trong quá trình nuôi; công nghệ sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo hướng Global GAP; các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững (lúa, màu, rau, nấm rơm, cây ăn trái, thủy sản, chế biến); quy trình chăn nuôi động vật hoang dã (gà sao, thỏ, rắn rivoi...), động vật hiếm; quy trình sản xuất trứng Artemia (thức ăn cho ấu trùng tôm, cua); quy trình nuôi trồng thủy sản nước ngọt (cá thát lát, cá lóc, cá sặc rằn, tôm càng xanh…); mô hình nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn GAP; quy trình ứng dụng mã nguồn mở cho hệ thống thông tin địa lý trong giảng dạy và nghiên cứu về quản lý tài nguyên thiên nhiên; các giải pháp về công nghệ thông tin...

Các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Nhà trường đã và đang góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế

Quan hệ hợp tác với các viện, trường, tổ chức trong và ngoài nước được mở rộng. Hiện nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với trên 130 trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Trong đó, có một số dự án hợp tác lớn với Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Đức và Úc. Trong khu vực châu Á, Trường đã hợp tác với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào, Philippines, Ấn Độ và một số nước khác. Hiện tại Trường đang triển khai có hiệu quả Chương trình học phần nhiệt đới và Chương trình Mekong 1000… Trong đó, Chương trình học phần nhiệt đới là một chương trình đặc biệt, được thiết kế để sinh viên quốc tế học tập về lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đời sống sản xuất ở vùng nhiệt đới, giúp sinh viên khám phá đời sống văn hóa vùng ĐBSCL. Trong 5 năm gần đây, Trường đã cử 1.608 sinh viên đi trao đổi ở nước ngoài; tiếp nhận 3.037 sinh viên quốc tế đến trao đổi và học tập tại Trường; cử 349 viên chức của Trường đi đào tạo ThS và TS ở trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Trường đang triển khai Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực thế mạnh của Trường như nông nghiệp, thủy sản, môi trường…, đây cũng là nền tảng để phát triển bền vững Trường Đại học Cần Thơ trong tương lai.

GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế lần 2 về kinh tế, kinh doanh và tài chính 2020 (2ICBEF-CTU2020).

Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trường với các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL ngày càng được thắt chặt, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực, thông qua việc ký kết hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học và đào tạo đến tận cấp quận/huyện/thị xã. Ngoài ra, Trường đã và đang mở rộng phát triển các mối quan hệ với các địa phương, doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.

Hy vọng rằng, với nền tảng vững chắc, cùng cơ sở vật chất được đầu tư mạnh và đội ngũ cán bộ có chất lượng, Trường Đại học Cần Thơ sẽ phát huy mạnh mẽ vị trí, vai trò là nơi khởi nguồn các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, mang sứ mệnh phụng sự xã hội thông qua việc đổi mới liên tục trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; tạo ra môi trường cởi mở, không gian rộng lớn cho việc trao đổi học thuật, đảm bảo mỗi người được phát huy tốt nhất tiềm năng, không ngừng tìm kiếm khai thác tri thức mới của nhân loại, đào tạo con người xuất sắc, có khả năng tạo dấu ấn mới mang tầm quốc gia và quốc tế.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)