Thứ sáu, 27/11/2020 15:59

Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn

Ngày 27/11/2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.

Dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội và 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - từ chính sách đến thực tiễn” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ giáo dục đại học, nhất là từ sau khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tự chủ trong giáo dục đại học; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách và việc thực thi chính sách, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả tự chủ trong giáo dục đại học; phát huy tính sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về các nội dung như: quản trị và tài chính của giáo dục đại học Việt Nam một số ưu tiên về chính sách; triển khai chính sách, pháp luật về tự chủ đại học ở Việt Nam; tự chủ đại học từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát; mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học; cơ chế quản trị của hội đồng trường trong thực hiện tự chủ đại học; tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của đại diện chủ sở hữu cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục đại học; sở hữu tài sản trong tự chủ đại học…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thực hiện tự chủ đại học là quá trình dài và liên tục do vậy, các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Chính phủ ghi nhận, tổng hợp trên tinh thần cầu thị; đồng thời, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến tự chủ đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Trước những yêu cầu mới của thời đại, giáo dục đại học nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trên thực tế, từ năm 2014, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Một số chỉ số hoạt động của 23 cơ sở này: tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ tăng gần 10%; tỷ lệ tuyển được trong tuyển sinh đại học/chỉ tiêu tăng từ 87 lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% chương trình đào tạo được kiểm định của toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần; có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Vũ Thị Lan Anh cho rằng, có lẽ do quá quen thuộc với việc được “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn chi tiết, ám ảnh bởi cơ chế xin - cho và có lẽ cả lo sợ bị làm sai, phải chờ hướng dẫn cụ thể nên giờ đây, khi các cơ hội được tự chủ, tự quyết định và tự nắm vận mệnh của chính mình đang mở ra thì một số cơ sở giáo dục đại học vẫn còn dè dặt và chờ đợi sự hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Tin: TH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)