Thứ hai, 09/11/2020 14:14

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đổi mới sáng tạo từ cộng đồng

Phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của đất nước. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) chính là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó dự báo từ biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, việc ĐMST trong cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương đóng vai trò quan trọng nhằm xúc tiến chuyển giao công nghệ cho cộng đồng ở ĐBSCL. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Phát triển bền vững ĐBSCL thông qua ĐMST từ cộng đồng” do Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) phối hợp với Tổ chức Nước Hà Lan (TWA) và Quỹ Đầu tư Mekong Capital tổ chức tại Cần Thơ vừa qua.

Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Bên cạnh đó, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng chưa phát huy tác dụng. Việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Mặt bằng học vấn, tỷ lệ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu; nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các vùng khác. Thực tế đó đòi hỏi cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL. Đây chính là nền tảng để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngày 30/10/2020 tại Cần Thơ, Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) phối hợp với Tổ chức Nước Hà Lan (TWA) và Quỹ đầu tư Mekong Capital tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững ĐBSCL thông qua đổi mới sáng tạo từ cộng đồng” nhằm thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các đối tác công  nghệ trong và ngoài nước với chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng các tỉnh ĐBSCL. 

Tại hội thảo, đại diện các sở/ngành, địa phương vùng ĐBSCL đều nhìn nhận Nghị quyết 120 có ý nghĩa tiến bộ, nhưng việc triển khai thực tiễn gặp bế tắc do có những rào cản, thách thức như: các địa phương không tìm được tiếng nói chung trong liên kết vùng do mỗi nơi có quan điểm tiếp cận, định hướng phát triển và mối quan tâm riêng. Các khái niệm như “thuận thiên”… lại chưa được làm rõ. Một số hướng tiếp cận hoặc giải pháp theo cách diễn giải sai lệch về khái niệm “thuận thiên” như phá vở quy hoạch vùng ngọt hóa để nuôi tôm, phát triển nhà lưới, nhà kính, trang trại du lịch... tạo ra các hệ lụy môi trường chưa thể đánh giá được. Nhận thức và năng lực trong quy hoạch chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của cán bộ địa phương còn hạn chế dẫn đến các chính sách/chương trình/dự án chưa định nghĩa rõ vấn đề giải quyết, mục tiêu và thiếu tính đo lường trong đánh giá kết quả. Các chính sách, dự án còn chồng lấn về mục tiêu và giải pháp thực hiện gây lãng phí nguồn lực nhưng hạn chế về tác động.

TS Nguyễn Minh Quang - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, rào cản để phát triển bền vững ĐBSCL chính là nằm ở quy trình xây dựng chính sách/chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhầm lẫn với vấn đề môi trường. Vì vậy, không giải quyết được tận gốc vấn đề và chỉ mang tính chất ứng phó tạm thời, thiếu chiến lược lâu dài. Điển hình như các nỗ lực ứng phó biến cố môi trường ở mỗi địa phương trong 2 đợt hạn mặn vừa qua khá bị động. Bên cạnh đó, việc thiếu đánh giá khoa học vững chắc làm cơ sở định hướng các chính sách và chương trình hành động khí hậu trung và dài hạn ở ĐBSCL cũng làm hạn chế sự lan tỏa của Nghị quyết 120.

Sáng kiến cộng đồng phải kết hợp cùng giải pháp công nghệ

TS Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ khẳng định, cộng đồng địa phương có năng lực chủ động tìm tòi các phương kế và sáng kiến để thích ứng với bối cảnh môi trường mới. Trong sự thành công của một số sáng kiến cộng đồng, vai trò của chuyên gia đại học và các tổ chức phi chính phủ là rất quan trọng để hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, một số sáng kiến không được nhân rộng trong khi một số sáng kiến khác bắt đầu cho thấy giảm hiệu quả do các tác động biến đổi môi trường phức tạp hơn. Nguyên nhân được chỉ ra là sự thiếu hụt vai trò của chính quyền địa phương để giúp thể chế hóa các sáng kiến cộng đồng. Sự hỗ trợ của chuyên gia và tổ chức phi chính phủ ở giai đoạn đầu để thí điểm mức độ thành công của sáng kiến. Tuy nhiên, sau đó chính quyền cần quan tâm chung tay giúp đỡ để rút ra mô hình mẫu và các bài học làm cơ sở hoạch định chính sách nhân rộng. Khi sáng kiến được nhìn nhận theo cách như vậy, sẽ có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ cộng đồng khi sáng kiến đó gặp khó khăn, hoặc thúc đẩy việc nhân rộng để nhiều cộng đồng hơn được hưởng lợi. Từ câu chuyện thành công và thoái trào sau một vài năm nhân rộng của các mô hình sáng kiến cộng đồng như VACB ở Cần Thơ, mô hình lúa thơm - tôm sạch ở Sóc Trăng..., các chuyên gia đánh giá nguyên nhân chung là do biến đổi của thời tiết, môi trường không theo quy luật, đòi hỏi phải có giải pháp công nghệ để giải quyết. Khi thiếu giải pháp công nghệ hỗ trợ, các mô hình này không thể trụ vững và đưa đến suy giảm năng suất, thu nhập, và cuối cùng người dân dần rút khỏi các mô hình.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đồng quan điểm cho rằng, đã đến lúc các địa phương cần lựa chọn giải pháp tuần hoàn cho vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Quan điểm chung là các giải pháp công nghệ đều tạo ra những tác dụng tiêu cực nhất định. Việc sử dụng một công nghệ/giải pháp để giải quyết một vấn đề là cách làm truyền thống, không giải quyết hiệu quả vấn đề nhưng có thể tạo thêm áp lực môi trường. Vì vậy, các công nghệ/giải pháp nên cần được áp dụng trong sự phối hợp và bổ trợ lẫn nhau. Theo cách đó, chúng sẽ giúp tạo ra tác động cùng lúc nhiều lĩnh vực và nhiều khía cạnh, đảm bảo tính toàn diện và bền vững của giải pháp. Để làm được điều đó, sự chung tay phối hợp của nhiều bên, nhiều lĩnh vực là rất cần thiết. Đây cũng chính là chìa khóa để giúp Nghị quyết 120 được triển khai một cách hữu hiệu vào thực tiễn ở ĐBSCL.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)