Thứ tư, 12/08/2020 15:28

Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú

Là địa phương sở hữu tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm sú, bên cạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ (KH&C) vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…, Cà Mau còn chú trọng việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm để nâng cao cao lợi thế cạnh tranh, cũng như bảo hộ sản phẩm địa phương.

Thách thức thủy sản

Là tỉnh có tiềm năng về kinh tế thủy sản đứng đầu cả nước, Cà Mau đã xác định lĩnh vực thủy sản là mũi nhọn trong quá trình phát triển, thể hiện ở cả 3 nhóm nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Với 3 mặt giáp biển, nghề nuôi trồng thủy sản ven biển, đặc biệt là nuôi tôm đang phát triển nhanh chóng và trở thành thế mạnh của tỉnh, trong đó tôm sú ngày càng khẳng định được hiệu quả mang lại trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), nghề nuôi tôm ở Cà Mau không ngừng phát triển với nhiều hình thức nuôi như quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, nuôi kết hợp với rừng ngập mặn, nuôi tôm luân canh với lúa hoặc luân canh với cá..., góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.

Tôm sú đang được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau thả nuôi giúp nâng cao đời sống.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn thì việc phát triển các loại hình nuôi tôm chủ động trong việc cấp, thoát nước, nhất là nuôi siêu thâm canh trong ao lót bạt và ao nổi là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế sự tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề nuôi tôm.

Trước xu thế công nghiệp, hóa hiện đại hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thì việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp là cần thiết. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XIV đề ra mục tiêu phấn đấu nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp đến năm 2030 đạt 280.000 ha. Lãnh đạo tỉnh đã chọn khâu đột phá là tập trung đầu tư nuôi tôm công nghiệp, nhằm nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp để cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chủ lực cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của địa phương; đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, nghề nuôi tôm của tỉnh cũng phải đương đầu với những khó khăn và thách thức về quản lý dịch bệnh, chất lượng tôm giống, môi trường và ổn định thị trường đầu ra sản phẩm nên các hộ nuôi tôm truyền thống chưa thật sự mạnh dạn đầu tư vào nuôi tôm sú công nghiệp vì không đủ vốn để đầu tư vào cơ sở vật chất, con giống, kiến thức về kỹ thuật nuôi chưa tốt, không biết phân bổ các nguồn lực đầu vào trong sản xuất thế nào là hợp lý nhằm đạt được thu nhập cao nhất.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ giá trị tôm Cà Mau

Để thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, Sở KH&CN Cà Mau đã đề xuất và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) hỗ trợ thực hiện dự án: Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh. Đây là dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, góp phần bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm tôm sú phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án đã điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm xác định căn cứ thực tiễn, khoa học, xây dựng/nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho các sản phẩm tôm sú được nuôi theo mô hình tôm - rừng (tôm tươi nguyên con và tôm nguyên liệu chế biến); xây dựng cơ sở pháp lý và hệ thống các công cụ phục vụ việc quản lý và kiểm soát sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Được biết, vừa qua Ban quản lý dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Ban quản lý GCF tỉnh Cà Mau) cũng đã hỗ trợ gần 3 triệu con tôm sú giống cho 66 hộ dân nuôi tôm trong vùng dự án triển khai nuôi trồng trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên thuộc huyện Ngọc Hiển. Tôm giống hỗ trợ cho bà con nuôi tôm được tuyển chọn từ những trại sản xuất giống có uy tín ở địa phương và được các cán bộ kỹ thuật ngành thủy sản kiểm tra chặt chẽ từ lúc tôm bắt đầu ương đến khi đóng thùng mang giao cho hộ dân thả nuôi. Sản phẩm thu hoạch được hộ dân sẽ được hưởng 100%.

Mô hình nuôi tôm sú siêu thâm canh đang được Cà Mau triển khai nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện thành công dự án sẽ góp phần hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng có các giải pháp sinh kế bền vững từ rừng ngập mặn, giúp phục hồi lại 4.000 ha rừng nhằm tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)