Thứ năm, 29/10/2020 15:43

Giải pháp thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam

Đây kết quả của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU (EVEF) phối hợp với Bộ Công Thương triển khai trong thời gian vừa qua và vừa được báo cáo tại Hội thảo “ESCO - mô hình kinh doanh trong tương lai của Việt Nam - Bài học rút ra từ các hoạt động/mô hình ESCO quốc tế và quốc gia” tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Mô hình hay cần nhân rộng

Ông Markus Bissel - Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng của EVEF cho biết,  mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và điều kiện thực hiện dự án như: cam kết mức tiết kiệm, mua bán năng lượng, chia sẻ tiết kiệm, thuê/mua thiết bị, xây dựng và chuyển giao… ESCO là mô hình kinh doanh đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam mô hình này còn tương đối mới mẻ. Do đó, để áp dụng tại Việt Nam, ông Markus Bissel khuyến cáo có hai hình thức triển khai phù hợp: một là, cam kết mức tiết kiệm: ESCO sẽ tiến hành khảo sát, đo đạc, tính toán và đưa ra mức cam kết đảm bảo lượng năng lượng có thể tiết kiệm được cho doanh nghiệp khi thực hiện các giải pháp ESCO đề xuất; hai là, chia sẻ mức tiết kiệm: ESCO tư vấn và đầu tư thực hiện các dự án tiết kiệm năng cho doanh nghiệp, mức năng lượng tiết kiệm sẽ được chia sẻ giữa ESCO và doanh nghiệp với tỷ lệ và thời gian theo thỏa thuận.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ niềm tin và động lực để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng thì việc phát triển mô hình kinh doanh ESCO sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ. ESCO giúp các đơn vị có cơ hội thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng và đem về lợi ích kinh tế và xã hội từ kết quả thực hiện; giúp giảm chi phí năng lượng, được đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ trong khi không cần bỏ chi phí và hạn chế rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia các chương trình, dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do EVEF tài trợ.

Khó khăn cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hoạt động tư vấn/dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Việt Nam hiện nay có khoảng 220 tổ chức, doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ở lĩnh vực điện mặt trời, cung cấp năng lượng, cung cấp thiết bị... Ngoài ra, cơ chế chính sách hiện hành đã thúc đẩy hoạt động tiết kiệt năng lượng như: ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai... hoặc miễn giảm thuế nhập khẩu theo quy định đối với thiết bị, phụ tùng, linh kiện tiết kiệm năng lượng mà trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên, hoạt động ESCO chưa có đầy đủ khung pháp lý và quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh. Cùng với việc thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai dự án tiết kiệm năng lượng... là những rào cản đối với hoạt động ESCO.

TS Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) cho rằng, đây là hình thức nhà đầu tư cung cấp toàn bộ giải pháp từ khâu tư vấn, thiết kế, thi công - lắp đặt, vận hành... cho đến vấn đề tài chính, quản lý dịch vụ cho hệ thống năng lượng tại cơ sở sản xuất kinh doanh của khách hàng; đồng thời, thu tiền dựa trên hiệu quả tiết kiệm năng lượng do hệ thống này mang lại. Hoạt động ESCO có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam do kinh tế phát triển có nhu cầu hơi - nhiệt - điện tăng. Các doanh nghiệp nước  ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã và đang quen dần với hoạt động ESCO nhằm đảm bảo an toàn vận hành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường ESCO, qua đó giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn tiết kiệm năng lượng và ứng dụng công nghệ hiện đại về năng lượng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Thống kê tại Việt Nam, những lĩnh vực đầu tư ESCO tiềm năng hiện nay có thể kể đến là cơ sở hạ tầng (chiếu sáng), trung tâm thương mại, khu công nghiệp/nhà máy, dịch vụ mua bán điện, năng lượng tái tạo... Do vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam là rất cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh khung chính sách phù hợp cho mô hình này trong tương lai.

Xuân Diện

Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Phát triển và Hợp tác kinh tế CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai với sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương.

Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDCs).

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)