Thứ ba, 20/10/2020 14:09

Vĩnh Phúc: Khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Lê Tất Khương1, Nguyễn Kim Tuấn2, Vũ Văn Đàm1, Nguyễn Văn Tiễn1, Chu Huy Tưởng1

1Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng
2Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và là một trong bảy tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng. Trên cơ sở phân tích hiện trạng phát triển nông nghiệp của Vĩnh Phúc, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác thế mạnh của tỉnh trong phát triển nông nghiệp thời gian tới.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp

Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên hơn 120.000 ha (chiếm hơn 5,8% diện tích của vùng Đồng bằng sông Hồng), trong đó đất nông nghiệp là 91.625 ha (chiếm 74,1% diện tích tự nhiên). Dân số toàn tỉnh hơn 1,1 triệu người, với gần 640.000 người trong độ tuổi lao động (trên 74% dân số khu vực nông thôn), đây là nguồn nhân lực khá dồi dào và quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng.

Về vị trí địa lý, tiếp giáp thủ đô Hà Nội nên Vĩnh Phúc có tiềm năng, lợi thế trong tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có lợi thế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Về địa hình, Vĩnh Phúc có tiềm năng, lợi thế đặc trưng cho phát triển ngành nông nghiệp đa dạng với 3 vùng sinh thái chính:

Vùng đồng bằng (Vĩnh Tường, Yên Lạc) có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp thâm canh, tập trung phát triển lúa chất lượng cao, rau củ quả an toàn, chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao; phát triển mô hình lúa - cá theo hướng hữu cơ…

Vùng gò đồi (Tam Dương, Bình Xuyên và 2 thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên) với thế mạnh phát triển bưởi, nhãn, rau, củ, quả an toàn các loại; chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng; nuôi thủy sản truyền thống (cá trắm, chép, trôi, mè), các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cát sâm, trà hoa vàng và chăn nuôi cây con đặc sản gắn với khu du lịch hồ Đại Lải...

Vùng núi thấp và trung bình (Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch) là vùng đặc trưng và ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh quanh Hà Nội, có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế rừng, nông nghiệp gắn với khu du lịch Tam Đảo. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây ăn quả như: thanh long ruột đỏ, nhãn, bưởi; phát triển các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích tím; phát triển chăn nuôi lợn thịt, bò thịt; phát triển mô hình lúa - cá theo hướng hữu cơ, phát triển vùng sản xuất rau củ quả an toàn…

Về nguồn lực kinh tế, trong giai đoạn 2011-2018, kinh tế nông nghiệp Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả ấn tượng, mặc dù tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh có xu hướng giảm, song về giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của ngành lại tăng qua các năm (năm 2010 là 6.834,969 tỷ đồng; năm 2015: 8.650,136 tỷ đồng - tăng gấp 1,27 lần so với năm 2010; năm 2018: 9.094,228 tỷ đồng - tăng gấp 1,33 lần so với năm 2010 và 1,05 lần so với năm 2015). Những số liệu này cho thấy, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2011-2018 đã chuyển từ tăng trưởng phát triển theo chiều rộng sang tăng trưởng phát triển theo chiều sâu, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Hiện trạng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc được phân theo những nhóm hàng sau:

Rau, củ, quả an toàn

Sản phẩm rau, củ quả an toàn của Vĩnh Phúc được phát triển tại hầu hết các huyện, thành phố. Các loại cây trồng chủ yếu là cây vụ đông (bí đỏ, dưa chuột, cà chua, su su...), được phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại các huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo và Lập Thạch. Sản phẩm rau, củ, quả an toàn đã có mặt trong hệ thống các siêu thị và một số nhà hàng lớn của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn với diện tích canh tác hơn 1.600 ha (diện tích tập trung là 1.481,9 ha), trong đó có 987,1 ha rau an toàn được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (695,5 ha rau sản xuất theo VietGAP). Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP chiếm khoảng 25% tổng sản lượng rau sản xuất toàn tỉnh, tương đương khoảng 35.000 tấn/năm. Hầu hết các sản phẩm rau, củ, quả an toàn chủ lực của tỉnh  (các sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP) đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc và có sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX) rau an toàn trên địa bàn tỉnh như: HTX rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương), HTX rau an toàn Visa (Yên Lạc), HTX rau sạch Tiên Phong (Phúc Yên)… Thị trường tiêu thụ các sản phẩm này hiện chủ yếu là trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận thông qua hệ thống các siêu thị (Big C, Coopmart, VinMart, Aloha, Lotte…), nhà hàng, khu công nghiệp và các chuỗi cửa hàng rau an toàn.

Cây ăn quả

Sản phẩm cây ăn quả chủ yếu của Vĩnh Phúc hiện nay là thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng và bưởi.

Thanh long ruột đỏ: được trồng chủ yếu tại 2 huyện Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên, với tổng diện tích trên 170 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Lập Thạch (125,6 ha), tiếp đến là Sông Lô (23,9 ha) và thành phố Phúc Yên (22,96 ha). Sản lượng thanh long ruột đỏ tại 3 huyện, thành phố nêu trên đạt gần 1.700 tấn (chiếm hơn 88% tổng sản lượng thanh long ruột đỏ toàn tỉnh). Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, Malaysia... Đặc biệt, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2015 nên đã thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp vào khâu chế biến, giúp đa dạng hóa sản phẩm.

Thanh long ruột đỏ ngày càng khẳng định giá trị kinh tế tại Vĩnh Phúc.

Chuối tiêu hồng: được phát triển chủ yếu tại các huyện Yên Lạc và Tam Đảo. Diện tích trồng chuối tiêu hồng tại 2 huyện này đạt hơn 230 ha, trong đó chủ yếu tại huyện Yên Lạc (hơn 215 ha). Cũng như các sản phẩm rau, củ, quả an toàn khác của tỉnh, chuối tiêu hồng đã có sự tham gia gắn kết của các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sự tham gia của Công ty Cổ phần hoa quả và lương thực Việt Nam vào chuỗi liên kết đã góp phần quan trọng đưa sản phẩm chuối tiêu hồng Yên Lạc xuất khẩu ra thị trường các nước như: Nga, Úc, Malaysia, Trung Quốc… Sản phẩm chuối tiêu hồng Yên Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 4/2019.

Bưởi: là cây ăn quả có múi chủ lực của tỉnh, năm 2018 tổng diện tích bưởi toàn tỉnh đạt 754,4 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 677,7 ha. Bưởi sau trồng 7 năm cho doanh thu 250-300 triệu đồng/ha, sau 10 năm có thể đạt 350-500 triệu đồng/ha. Bưởi được trồng chủ yếu tại các huyện, thành phố Lập Thạch, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Phúc Yên với tổng diện tích gần 500 ha (chiếm hơn 64% tổng diện tích trồng bưởi toàn tỉnh). Thương hiệu “Bưởi Vĩnh Tường - hương vị đất Phủ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 10/2019, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Bưởi Vĩnh Tường cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha.

Sản phẩm chăn nuôi và thủy sản

Các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu hiện nay ở Vĩnh Phúc là lợn, bò và gà.

Lợn thịt, lợn giống: chăn nuôi lợn tại Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu ở các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương và Yên Lạc, với tổng đàn lợn thịt đạt trên 243.000 con (chiếm 71,3% tổng số lợn thịt của toàn tỉnh), tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 48.000 tấn (chiếm 62,2% tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng toàn tỉnh). Tại các huyện, chăn nuôi lợn đã phát triển thành các vùng sản xuất tập trung (trang trại) từng bước hình thành theo chuỗi liên kết hàng hóa. Tiêu biểu như chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt lợn an toàn của Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Phát Đạt (Phúc Yên).

Sản phẩm bò thịt: chăn nuôi bò phát triển mạnh tại các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và Sông Lô. Tổng đàn tại 4 huyện này đạt trên 65.000 con (chiếm 72,6% tổng số bò thịt của toàn tỉnh), cung cấp sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 3.700 tấn (chiếm 63,0% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh). Sản phẩm bò thịt chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và các vùng lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh… thông qua các thương lái. Sản phẩm sữa bò chủ yếu tập trung tại huyện Vĩnh Tường và một phần tại huyện Tam Đảo. Riêng ở Vĩnh Tường đã nuôi gần 12.000 con, chiếm trên 90% tổng số bò sữa của tỉnh, cung cấp 45.000-50.000 tấn sữa/năm. Hiện nay đã có Công ty sữa Vinamilk và Công ty sữa Hà Lan đến hợp tác và thu mua sữa trực tiếp của người dân.

Sản phẩm gà: thống kê năm 2019 cho thấy, sản phẩm gà thịt (chủ yếu là gà lông màu) được phát triển mạnh ở các huyện Lập Thạch, Tam Dương và Tam Đảo, với tổng đàn đạt trên 4.000.000 con (chiếm 62,5% tổng số gà thịt toàn tỉnh), cung cấp sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 18.000 tấn (chiếm 61,6% tổng sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng của tỉnh). Bên cạnh đó, chăn nuôi gà đẻ đang được phát triển tại 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên, hàng năm cung cấp hơn 250.000 quả trứng (chiếm tới gần 60% tổng số trứng gà toàn tỉnh). Sản phẩm gà thịt và trứng gà của tỉnh được tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận (đặc biệt là Hà Nội) thông qua thương lái đến từ các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Bình Xuyên…

Sản phẩm thủy sản: phát triển các loại cá thịt truyền thống (trắm, chép, trôi, mè) luôn là thế mạnh của Vĩnh Phúc. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 6.800 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 78,4% diện tích nuôi cá nước ngọt truyền thống, tập trung tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Lập Thạch và Sông Lô, cung cấp sản lượng đạt hơn 20.500 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất cá giống và hàng trăm hộ tham gia ương dưỡng giống thủy sản.

Sản phẩm lâm nghiệp

Tính đến năm 2019, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của Vĩnh Phúc đạt hơn 31.600 ha (chiếm khoảng 25,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), tập trung chủ yếu tại thành phố Phúc Yên và các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo… (trong đó có khoảng 48,9% diện tích đất rừng đặc dụng, 38% diện tích đất rừng sản xuất và 13,1% diện tích đất rừng phòng hộ). Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh đạt 706 ha, tổng sản lượng gỗ đạt hơn 41.000 m3 (100% là gỗ rừng trồng), chủ yếu là keo lai, bạch đàn. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ chế biến, sử dụng gỗ rừng trồng của tỉnh còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do gỗ hầu hết được sử dụng ở dạng thô (làm nguyên liệu băm dăm gỗ xuất khẩu, làm nguyên liệu gỗ bóc…) do vậy hiệu quả kinh tế không cao, chưa mang lại thu nhập xứng đáng cho người trồng.

Một số giải pháp phát triển trong thời gian tới

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế và hiện trạng phát triển nông nghiệp, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp phát triển nông nghiệp Vĩnh Phúc trong thời gian tới như sau:

Trong lĩnh vực trồng trọt

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị ngành hàng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể:

Đối với cây lúa, mặc dù không được coi là cây trồng chủ lực nhưng đây là cây lương thực quan trọng của tất cả các địa phương trong tỉnh, cần rà soát ưu tiên xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, an toàn, chuyển đổi một số diện tích đất không chủ động nguồn nước, kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản để đạt được hiệu quả cao hơn.

Đối với các loại rau, củ, quả an toàn, cần tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có các chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân thuê, gom ruộng sản xuất tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao.

Đối với vùng kinh tế vườn đồi, cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng thay thế những cây trồng có giá trị thấp bằng các loại cây ăn quả, dược liệu… có giá trị kinh tế cao gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản

Tập trung phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như: bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm…; thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (trâu, bò) và tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống chất lượng, an toàn dịch bệnh cho người dân, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ xử lý các vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Hình thành và tổ chức hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, có kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tham gia vào chuỗi phát triển chăn nuôi, đặc biệt là trong chế biến - đa dạng hóa các sản phẩm từ thịt và sữa.

Trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục phát triển nuôi trồng các loài cá truyền thống, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển một số sản phẩm thủy sản đặc sản, có tiềm năng và các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp

Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Nghiên cứu phát triển kinh tế rừng - làm giàu rừng, thâm canh rừng trồng; tăng cường diện tích rừng trồng cây gỗ lớn - sử dụng cây gỗ lớn mọc nhanh hoặc cây bản địa mọc nhanh kết hợp với phát triển lâm sản ngoài gỗ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Nghiên cứu chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang phát triển cây lâm nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn, đảm bảo diện tích che phủ rừng theo quy định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào công nghiệp chế biến gỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
    

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)