Thứ tư, 05/01/2022 14:49

Ẩn số nguồn lực và lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

GS Nguyễn Đức Khương1, ThS Phạm Trường Thi2

1Giám đốc Nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG, Pháp

Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

2Chuyên gia tư vấn, Công ty Geoconcept, Pháp

Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, sự vận động và tiến bộ của thế giới đang được đặt trước những thách thức thiên niên kỷ vô cùng lớn. Không chỉ là những vấn đề bình đẳng, giảm đói nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, sức khoẻ y tế cho bà mẹ trẻ em, mà còn là bảo vệ sự bền vững của môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống của con người. Vì lẽ đó, những tiến bộ về khoa học và công nghệ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, có một vai trò chiến lược cho đổi mới mô hình tăng trưởng ở tất cả các quốc gia. Xu thế chủ đạo là biến đổi mới sáng tạo thành một đòn bẩy cho phát triển bền vững, gắn tăng trưởng với bảo vệ môi trường, hài hoà với thiên nhiên và hạnh phúc của người dân.

Việt Nam đang đi đúng hướng

Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường trở thành “điểm đến của đổi mới sáng tạo toàn cầu” - một thông điệp khát vọng mà Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) mong muốn lan toả ngay từ những ngày đầu của năm 20201. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2019 Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia, nền kinh tế. Ngay trong đại dịch Covid-19, nỗ lực vươn mình vẫn giúp Việt Nam tạo được những dấu ấn quan trọng: duy trì được vị trí cao trong bảng xếp hạng (44/132 quốc gia) và tiếp tục dẫn đầu trong nhóm 34 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Nhìn ở tầm vĩ mô, nước ta đang đi đúng hướng và phù hợp với những thách thức thời đại khi đặt đổi mới sáng tạo như một ưu tiên hàng đầu. Từ các chủ trương lớn, những chính sách cụ thể đã và đang bắt đầu đi vào thực tiễn để khuyến khích, hỗ trợ những chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, những thay đổi thường xuyên, khó dự báo về môi trường kinh doanh, thay đổi nhu cầu - thị hiếu, cùng với những tác động địa chính trị và điều chỉnh chiến lược quốc gia đang tạo ra những hạn chế, rào cản cho đổi mới sáng tạo ở một số chủ thể, nhất là doanh nghiệp - nơi khởi nguồn sáng tạo ra giá trị gia tăng và nguồn gốc của tăng trưởng.

Đưa ra tầm nhìn cho đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới, chủ động chuẩn bị các nguồn lực, và xác định các lợi thế để tạo lập ưu thế cạnh tranh của riêng mình có ý nghĩa quyết định. Con đường tiến đến thịnh vượng với đòn bẩy đổi mới sáng tạo chỉ thành công khi chúng ta biết cách tập trung phát triển nguồn lực con người, ứng dụng và tạo ra tri thức mới, lựa chọn cũng như phát triển công nghệ mới.

Thách thức là một lợi thế cạnh tranh của đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Có nhiều bài toán, nhiều thách thức là một lợi thế cạnh tranh của đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung vào những thách thức toàn cầu, những bài toán mới xuất hiện cùng với Covid-19 sẽ đem lại vị thế và tầm quốc tế cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Một trong những bài học quan trọng nhất của những thập kỷ gần đây chính là vai trò nòng cốt của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, với điểm tầm nhìn là mọi chủ thể được tiếp cận bình đẳng về nguồn lực, lợi ích và không bị bỏ lại bên lề. Đây cũng là một tổng kết quan trọng trong báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: các chính sách để tăng trưởng toàn diện” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, 2017).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm gian trưng bày của các startup tại Techfest Vietnam 2021.

Nơi nào có thách thức phát triển, khó khăn trong nâng cao hiệu quả và năng suất thì nơi đó là không gian cho các ý tưởng và dự án đổi mới sáng tạo ra đời. Việt Nam, như nhiều quốc gia đang phát triển khác, có một môi trường như vậy. Thế nhưng, để đi xa hơn nữa, bài toán đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là tạo điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn diện (inclusive innovation) để giải quyết các thách thức phát triển toàn diện như: i) yêu cầu cấp bách về cung cấp các điều kiện sống cơ bản (tiếp cận nước, năng lượng), chăm sóc y tế, và giảm đói nghèo; ii) đem lại phúc lợi cho những nhóm người hay bị bỏ quên hay yếu thế; iii) loại bỏ các rào cản cho các chủ thể (cá nhân, nhóm xã hội, doanh nghiệp) khi tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời hạn chế bất bình đẳng (thu nhập, quyền sử dụng, phân phối vùng miền) có thể nảy sinh trong quá trình phát triển và thương mại hoá các kết quả của đổi mới sáng tạo (George, et al., 2012); iv) giúp các doanh nghiệp thực thi đổi mới sáng tạo có tác động ảnh hưởng xã hội tích cực (impact innovation). Qua nhìn nhận lại các nghiên cứu, bài học kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, Herrera (2016) chỉ ra rằng liên kết chiến lược, mục tiêu trách nhiệm xã hội, cơ chế quản lý (governance), và cam kết của các bên liên quan là nền tảng cho đổi mới có tính ảnh hưởng.

Covid-19 và những vấn đề mà nó tạo ra (suy giảm nhu cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, điều chỉnh các địa điểm sản xuất, thay đổi các dòng vốn, thay đổi thói quen tiêu dùng) sẽ hạn chế nguồn lực đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo. Các chuyên gia và nhà khoa học dự báo nguy cơ xảy ra những “tình huống” khó khăn tương tự trong thời gian tới là không nhỏ, và cần phải có một Ủy ban Liên chính phủ về phòng phống đại dịch, giống như là Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Oppenheim, Brown, & Waldman, 2021)2.

Các thách thức trong “bình thường mới” dưới tác động của Covid-19 đang mở ra những cơ hội cho đổi mới sáng tạo. Chính sách cần lúc này là hướng các ý tưởng, chương trình và dự án vào các xu thế và bài toán toàn cầu. Đó là phát triển công nghệ xanh, sạch thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ y sinh phục vụ cho việc bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh; phát triển công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, nền tảng cho làm việc từ xa và thương mại trực tuyến.

Cũng cần hướng đến đổi mới sáng tạo có tính kết nối tới tương lai và thích ứng từ dưới lên, nhờ những bài toán từ thực tiễn doanh nghiệp, địa phương, và nền kinh tế. Kết nối với tương lai gắn liền với công nghệ và giải pháp cho biến đổi khí hậu, sức khoẻ y tế, bảo mật thông tin, tạo niềm tin trong môi trường số hoá, đảm bảo nguồn năng lượng, và an toàn thực phẩm.

Sớm có các khung hành lang chính sách tạo không gian cho thử nghiệm các phương thức chưa tồn tại (sandbox) có điều kiện phát triển cũng góp phần kiến tạo lợi thế cho đổi mới sáng tạo.  

Việt Nam cần làm gì để ẩn số thành hiện thực?

Trong một mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo thì nguồn lực con người và năng lực kết nối, thu hút các nguồn lực ở vị trí quan trọng bậc nhất.

Nhân lực chất lượng cao, tích luỹ nhiều tri thức và kỹ năng công nghệ là vũ khí then chốt cho đổi mới sáng tạo. Yếu tố này đem lại các thành công trong kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng (Cammeraat, Samek, & Squicciarini, 2021). Về mặt kinh tế, phát triển nguồn lực con người là sự tích lũy vốn con người và đầu tư dài hạn vào sự phát triển, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Dự án Nanoneem của tập thể giảng viên và sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận Giải Nhất Cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu Hack4Growth Unlimited 2021.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, đông đảo, khả năng học hỏi cao và tiếp cận nhanh với công nghệ. Lợi thế này biến Việt Nam thành một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng, hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ và các công ty khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Báo cáo thị trường tuyển dụng 2020 và xu hướng tuyển dụng 2021 của Công ty CP TOPCV Việt Nam (công ty công nghệ nhân sự hàng đầu của Việt Nam), 55,2% số nhà tuyển dụng cho rằng lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn nhân lực chính là số lượng hồ sơ ứng viên không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Các lý do tiếp theo là thiếu kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kinh nghiệm từ ứng viên. Như vậy có thể thấy nguồn nhân lực công nghệ đang được đào tạo trong các trường đại học của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc này cũng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà tuyển dụng để thu hút các ứng viên tiềm năng, từ đó đưa đến một thị trường nhân lực chất lượng cao không ổn định.

Để giải quyết bài toán nhân lực, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào một số trường đào tạo kỹ sư xuất sắc. Hầu hết các ý tưởng đổi mới sáng tạo hay cải tiến, phát triển công nghệ mới đều cần những kỹ sư giỏi để hiện thực hoá, nhất là trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó cũng rất cần có những trường kinh tế, quản lý đẳng cấp quốc tế, với chương trình được cải cách để cập nhật những kiến thức mới nhất về tinh thần doanh nhân, quản lý công nghệ, kỹ năng sáng tạo và khởi nghiệp.

Việt Nam nên chọn đầu tư trọng điểm vào các ngành khoa học cơ bản có tính ứng dụng cao, và một số lĩnh vực mũi nhọn như máy tính lượng tử, nghiên cứu tế bào gốc, trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh, công nghệ chống ô nhiễm môi trường, công nghệ năng lượng sạch... Đây là những ngành của tương lai mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua. Ví dụ, một vài năm trở lại đây Trung Quốc đã tập trung rất nhiều vật lực và tài lực vào trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, công nghệ cao trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, vũ trụ. Singapore cũng đầu tư mạnh mẽ cho mục tiêu trở thành Fintech City - trung tâm công nghệ tài chính của thế giới.

Khi nguồn lực trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về cả chất và lượng thì hợp tác và liên kết với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia và các nước có nền công nghệ phát triển là con đường không khó đi. Một điều nữa cần chú ý là nhu cầu từ các ngành công nghiệp chính là yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do đó, các trường đại học cần phải “học” cách làm việc và cộng tác với doanh nghiệp. Hợp tác giữa Đại học KAIST (Korea Advanced Institute of Science and Technology) với Tập đoàn Samsung được coi là một hình mẫu tiêu biểu của hợp tác nghiên cứu phát triển (Dayton, 2021).

Đại dịch Covid-19 đang tạo ra những cơ hội mới cho những ai luôn đổi mới sáng tạo. Lợi thế của người đi sau chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết học hỏi đúng cách, xác định đúng ưu tiên, và đầu tư hiệu quả vào nguồn lực con người, để từng bước tham gia vào dẫn dắt cuộc chơi lớn. Việt Nam đang có điều kiện cần để xây dựng lợi thế cạnh tranh của riêng mình.

1 https://vnexpress.net/viet-nam-se-la-diem-den-cua-doi-moi-sang-tao-toan-cau-4116649.html.

2 https://www.nature.com/articles/s41591-021-01374-x .

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. E. Cammeraat, L. Samek, M. Squicciarini (2021), The Role of Innovation and Human Capital for the Productivity of Industries, OECD Science, Technology and Industry Policy Papers.

2. L. Dayton (2021), “Industry demand drives innovation”, Nature, 600(7888), pp.16-17.

3. G. George, A.M. McGahan, J. Prabhu (2012), “Innovation for inclusive growth: towards a theoretical framework and a research agenda”, Journal of Management Studies, 49(4), pp.661-683.

4. M.E.B. Herrera (2016), “Innovation for impact: business innovation for inclusive growth”, Journal of Business Research, 69(5), pp.1725-1730.

5. OECD (2017), Making Innovation Benefit All: Policies for Inclusive Growth.

6. B. Oppenheim, K. Brown, R. Waldman (2021), “The world needs an intergovernmental panel on pandemic risk”, Nature Medicine, 27(6), p.934.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)