Thứ sáu, 03/12/2021 10:48

Khoa học và công nghệ mở tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO): Khoa học mở là cấu trúc toàn diện kết hợp các phong trào và thực hành khác nhau nhằm làm cho kiến thức khoa học đa ngôn ngữ là sẵn sàng mở, truy cập được và sử dụng lại cho bất kỳ ai; làm gia tăng cộng tác khoa học và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học và xã hội; mở ra các quy trình tạo lập, đánh giá và truyền thông kiến thức khoa học tới các tác nhân xã hội vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống. Khái niệm này mới được UNESCO đưa ra trong “Khuyến nghị khoa học mở” tại Hội nghị toàn thể diễn ra từ ngày 9-24/11/2021 và được nhiều đại biểu dẫn lại tại hội thảo: “Thực trạng và đề xuất phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) mở tại Việt Nam” do Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ KH&CN tổ chức ngày 3/12/2021.

Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Ngô Minh Phước phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số tham luận: Khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở, cơ hội và thách thức; Chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu KH&CN quốc gia; Sở hữu trí tuệ và khoa học mở; Thực trạng và giải pháp phát triển phần mềm mã nguồn mở tại Việt Nam; Thực trạng và giải pháp phát triển dữ liệu mở, truy cập mở; Công nghệ mở cho giáo dục Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số; Xây dựng và triển khai Cổng dữ liệu mở tại tỉnh Thừa Thiên Huế…

Một trong những điểm nhấn tại hội thảo mà nhiều đại biểu chia sẻ và thảo luận là vấn đề mâu thuẫn giữa các quy định về sở hữu trí tuệ (SHTT) với tính chất “mở” của khoa học. PGS.TS Trần Văn Hải - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích mâu thuẫn giữa độc quyền khai thác thương mại các đối tượng của quyền SHTT với sự chia sẻ của khoa học mở có bản chất từ quyền tài sản của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu với lợi ích chung của cộng đồng. Ông Hải cho rằng, chủ sở hữu kết quả nghiên cứu cần thu hồi chi phí cho nghiên cứu trong quá khứ để tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu trong tương lai, trong khi đó cộng đồng xã hội lại có nhu cầu tiếp cận kết quả nghiên cứu để phục vụ lợi ích hiện tại, phát triển công nghệ, cải tiến công nghệ trong tương lai. Chỉ khi nào trung hòa được quyền và lợi ích của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu với cộng đồng xã hội thì vấn đề SHTT trong khoa học mở mới được giải quyết.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)