Thứ năm, 25/02/2021 10:15

Cần thêm những cơ chế hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Đây là mong muốn của nhiều doanh nghiệp của Vương quốc Anh tại buổi đối thoại về năng lượng tái tạo (NLTT) giữa Vương quốc Anh và Việt Nam do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 24/2/2021.

Tiềm năng lớn

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và thế mạnh để phát triển NLTT và  năng lượng này đã và đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi đã có rất nhiều dự án được triển khai và đi vào hoạt động thương mại, đơn cử như điện gió ngoài khơi có tiềm năng khai thác lên tới gần 160 GW nhờ vùng biển rộng lớn, sức gió lớn, số giờ vận hành trong năm cao… Không những vậy, NLTT sẽ giúp tạo ra thêm công ăn việc làm cho người lao động Việt.

Để thúc đẩy phát triển NLTT, ngày 25/11/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ mục tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050; đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là những quyết sách đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong huy động vốn do các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nhiệt điện khí có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện NLTT (chưa tính thủy điện) đạt 25% tổng công suất toàn hệ thống; trong đó, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất có 148 dự án, công suất lắp đặt trên 8.800 MW; điện mặt trời áp mái có hơn 100.000 dự án, công suất lắp đặt gần 9.300 MW; điện gió có 11 dự án, công suất lắp đặt 511 MW. Tại Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cho thấy, tiềm năng về NLTT của Việt Nam lên tới 855 GW, trong đó đáng kể nhất là điện mặt trời (khoảng 434 GW) và điện gió (khoảng 375 GW, gồm điện gió mặt đất 217 GW, điện gió ngoài khơi 158 GW).

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT phát biểu tại buổi đối thoại.

Cần thêm các cơ chế hỗ trợ để phát triển NLTT

Riêng lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang bắt đầu nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Vương quốc Anh nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển nguồn năng lượng này tại Việt Nam.

Ông Bùi Vĩnh Thắng - Công Ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam - doanh nghiệp tiên phong đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam cho rằng: mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ phía địa phương như thủ tục cấp phép, giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và các chính sách hỗ trợ khác từ phía Chính phủ là rất quan trọng đối với nhà đầu tư lĩnh vực điện gió nói chung cũng như điện gió ngoài khơi nói riêng. Ông Thắng cho rằng, các dự án ngành năng lượng thường đòi hỏi đầu tư lượng vốn lớn, thời gian dài. Do đó, điều mà các nhà đầu tư mong muốn là những cơ chế hỗ trợ sẽ dài hạn hơn, đi cùng đó là các thủ tục phê duyệt, cấp phép...
Đại diện hãng Lightsource BP cho rằng, để có thể đầu tư triển khai một dự án năng lượng tại Việt Nam, nhà đầu tư cần hiểu khá rõ về cơ chế, thủ tục như hợp đồng mua bán điện, biểu giá bán điện… Do vậy, hãng mong Chính phủ Việt Nam tăng cường tính minh bạch, rõ ràng và ổn định của chính sách trong dài hạn, từ đó nhà đầu tư sẽ dễ dàng phân tích, tính toán chi phí điện quy dẫn nhằm có sự so sánh với các phương án đầu tư khác...

Các doanh nghiệp đến từ Vương quốc Anh cho hay, các dự án điện mặt trời xuất hiện trong nhiều thời gian qua quy mô chưa lớn, đòi hỏi vốn chưa cao, nên chủ yếu dựa vào nguồn vốn chủ đầu tư và các tổ chức tài chính trong nước. Trong tương lai, các dự án điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi, yêu cầu nguồn vốn lớn hơn, chắc chắn sẽ cần huy động đến nguồn quốc tế. Để phát triển NLTT, các doanh nghiệp đến từ Anh mong muốn Chính phủ cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành; tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn năng lượng tái tạo… Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai…

Nguyễn Mạnh Cường - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)