Thứ ba, 12/01/2021 10:25

Hầm đường bộ Hải Vân 2: Khẳng định trí tuệ của người Việt trong thi công hầm

Nếu như trước đây, việc thi công các công trình đường hầm có quy mô lớn như hầm đường bộ Hải Vân 1 đều có sự giúp sức từ các doanh nghiệp nước ngoài thì với Hải Vân 2 vừa được khánh thành vào ngày 11/1/2021 đã khẳng định vị thế và trí tuệ của các nhà khoa học trong nước trong việc làm chủ công nghệ, thiết kế, thi công và vận hành các công trình giao thông nói chung, cầu hầm nói riêng trên cơ sở tiếp cận và vận dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại của thế giới. Đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á nối tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, được thi công hoàn toàn bằng công nghệ Việt bởi những người thợ Việt Nam.

 

Nhận thức về một thế giới năng động và đa chiều, từ tháng 5/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) và tiến hành tái cấu trúc toàn diện để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh trong quy mô khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, thương hiệu “Đèo Cả” đã trở thành biểu tượng nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ hàng đầu tại Việt Nam, được các nhà đầu tư, xã hội tin tưởng, tôn vinh bởi sự thành công từ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; dự án đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia; dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận... và mới đây nhất là dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 vừa được khai thác sử dụng. Đây là cột mốc quan trọng đối với ngành giao thông bởi công trình này do người Việt làm chủ công nghệ làm hầm, từ việc đầu tư cho đến thiết kế, thi công, vận hành...

Cắt băng khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc thi công hầm Hải Vân 2 gặp rất nhiều khó khăn do môi trường thi công hầm rất khắc nghiệt, bên cạnh điều kiện địa hình, địa chất thì yếu tố khách quan khác là phải đảm bảo cho hầm Hải Vân 1 (cách 30 mét) được vận hành liên tục, an toàn. Do đó, việc nổ mìn, đào hầm bị giới hạn trong khung giờ nhất định, mỗi ngày chỉ được nổ mìn 2 lần. Để đảm bảo tiến độ và an toàn, Tập đoàn đã đưa ra giải pháp thi công hầm đường bộ Hải Vân 2 theo phương pháp xây dựng hầm NATM (New Austrian Tunnelling Method - một phương pháp xây dựng hầm mới theo công nghệ của Áo). Đây là phương pháp xây dựng hầm hiện đại và có nhiều ưu điểm so với các phương pháp thông thường. Nếu trước đây để đào hầm, các doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp mỏ để thi công khiến đất đá nền và vỏ hầm không có sự tác động tương hỗ nên vỏ hầm thường phải thiết kế dày, gây lãng phí, không thể giải quyết triệt để các vấn đề về gia cố kết cấu vỏ hầm theo thực tế hiện trường. Nhưng với phương pháp NATM, công việc này đã được khắc phục triệt để.  Nguyên tắc cơ bản của NATM là dựa vào kết cấu hầm bao gồm tổ hợp của đá núi và hầm. Hầm chủ yếu được chống đỡ bằng khối đá xung quanh. Hệ thống chống đỡ của hầm phải có độ mềm dẻo, phù hợp và phải được thi công kịp thời để ngăn chặn biến dạng bất lợi và duy trì cường độ của khối đá. Việc áp dụng NATM vào thi công hầm Hải Vân 2 đã trình tự gia cố vỏ hầm hợp lý hơn, kích thước kết cấu vỏ hầm giảm so với các phương pháp thông thường và dễ điều chỉnh trong quá trình thi công. Phương pháp này đã tận dụng được thành quả của nhiều công nghệ thi công hầm như đào phá đá bằng các thiết bị khoan, phương pháp khoan nổ, bê tông phun, neo đá...

Ngoài công nghệ thiết kế và thi công kết cấu công trình hầm, công nghệ thi công các hệ thống phục vụ khai thác hầm Hải Vân 2 cũng lần đầu tiên được trang bị các thiết bị khai thác hiện đại, đang được sử dụng cho nhiều công trình hầm giao thông trên thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ khai thác, vận hành hầm Hải Vân 2 là công nghệ thông tin, công nghệ điều khiển, tự động hoá thông qua hệ thống SCADA (hệ thống kiểm soát và thu nhận dữ liệu) giúp theo dõi, điều khiển các thiết bị, hướng dẫn giao thông an toàn qua hầm Hải Vân và ứng cứu, xử lý các tình huống tai nạn hoặc sự cố xảy ra trong hầm.

Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí suốt dọc 2 bên tường hầm nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Để giảm sự chênh lệch độ sáng giữa bên trong và bên ngoài hầm, đèn chiếu sáng tại lối vào hầm và lối ra khỏi hầm được tăng cường vào ban ngày và giảm đi vào ban đêm. Đoạn giữa của hầm được chiếu sáng không đổi, liên tục suốt ngày đêm. Trong trường hợp mất điện lưới, đèn trong hầm vẫn chiếu sáng bình thường thông qua hệ thống ắc quy và máy phát điện dự phòng. Hệ thống điều khiển chiếu sáng thu thập thông tin về độ rọi ở bên ngoài trời và cửa vào hầm để điều khiển tự động hệ thống đèn nhằm cân bằng ánh sáng giữa bên trong và bên ngoài hầm.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 được trang bị nhiều công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và phòng cháy, chữa cháy.

Để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực phòng/chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động với 2 sợi cáp báo cháy được bố trí trên vòm và chạy dọc suốt chiều dài hầm. Trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, cáp báo cháy sẽ tự động phát tín hiệu báo cháy và vị trí xảy ra cháy về Trung tâm vận hành đặt tại cửa hầm phía nam. Hệ thống báo cháy bằng tay gồm các nút bấm báo cháy được bố trí trong các hốc thiết bị chữa cháy cách nhau 50m dọc theo hầm. Trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, người tham gia giao thông có thể bấm vào nút báo cháy để thông báo cho nhân viên vận hành.

Với việc sớm đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác, sử dụng đã góp phần quan trọng giải tỏa cho hầm Hải Vân 1, xóa điểm nghẽn trên tuyến đường huyết mạch quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phong Vũ

Hầm Hải Vân 2 được mở rộng từ hầm lánh nạn có chiều rộng đường là 8,5 m với quy mô gồm 2 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Công trình có chiều dài hơn 12,6 km gồm đường dẫn phía Bắc (thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dài 2,1 km và đường dẫn phía Nam (thuộc TP Đà Nẵng) dài 4,3 km. Ngoài ra, tuyến đường hầm xuyên qua núi Hải Vân - hạng mục quan trọng nhất của dự án dài hơn 6,2 km.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)