Thứ năm, 07/01/2021 14:49

Hợp tác phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã có buổi làm việc và ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Trong thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn chú trọng mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong các hoạt động SHTT, coi đây là một kênh quan trọng để tiếp nhận nhu cầu, phản hồi của xã hội đối với hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tạo ra nhiều tài sản trí tuệ có giá trị và là nơi đào tạo ra các chủ nhân tương lai của đất nước. Thực hiện chủ trương này, Cục đã ký kết t thuận hợp tác với một số trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh... và đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quan trọng để phát triển hệ thống SHTT nói chung và hoạt động SHTT trong các trường nói riêng. Trong khuôn khổ Mạng lưới TISC và IP-Hub do Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) bảo trợ, Cục SHTT đã kết nối được gần 40 thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.  Trong đó có ĐHQG-HCM.

Hiện nay, ĐHQG-HCM có hơn 80 nhóm nghiên cứu tiềm năng, 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 2 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG-HCM. Tài sản trí tuệ của nhà trường khá lớn (288 Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp), trong số đó có nhiều tài sản có tiềm năng thương mại hóa cao. Để quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, ĐHQG-HCM đã thành lập Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ, ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ và ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2020-2021.

Nhằm đẩy mạnh bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ, hai đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo thỏa thuận, Cục SHTT sẽ hỗ trợ hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ tại ĐHQG-HCM; hỗ trợ phát triển Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trở thành một chủ thể quan trọng trong hoạt động SHTT và chuyển giao công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu tại khu vực phía Nam; phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật về SHTT cho cán bộ, giảng viên, nhà quản lý, nhà khoa học và sinh viên; tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thương mại hóa, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ĐHQG-HCM và các trường đại học, viện nghiên cứu tại khu vực phía Nam.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, hiện nay số đơn sáng chế của người Việt chiếm khoảng 14-15% tổng số đơn đăng ký; số bằng bảo hộ chiếm khoảng 10-11%. Con số này là khá thấp nên cần phải khuyến khích để đẩy mạnh tăng lên, với mục tiêu đến 2030, số đơn sáng chế tăng 16% mỗi năm. Cục sẽ tâp trung nguồn lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện cho tốt thỏa thuận hợp tác này, qua đó góp phần thúc đẩy số sáng chế của người Việt tăng lên.

Phó Giám đốc thường trực ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân

Tại Lễ ký thỏa thuận, PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc thường trực ĐHQG-HCM mong muốn, thỏa thuận hợp tác sẽ giúp gia tăng số lượng sinh viên hưởng thụ từ các chương trình nâng cao nhận thức về SHTT; tăng lượng đơn đăng ký bảo hộ về SHTT và hợp đồng chuyển giao công nghệ; mở rộng thêm mạng lưới về SHTT; phát huy được trí tuệ nguồn lực của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đóng góp các văn bản pháp quy của nhà nước liên quan đến SHTT.

CM

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)