Thứ hai, 04/01/2021 14:44

Quản lý chất lượng sản phẩm ngành Công Thương: góp phần nâng cao uy tín quốc gia

Trần Việt Hòa

Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương

Những năm gần đây hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Bộ Công Thương đã gặt hái được nhiều thành tích rất đáng khích lệ. Đặc biệt, với việc thực hiện thành công Dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” trong khuôn khổ Chương trình quốc gia: “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc gia trên trên trường quốc tế.

Những kết quả tiêu biểu

Trong bối cảnh vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời đẩy mạnh giải pháp tăng năng suất lao động quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 04/02/2020, Bộ Công Thương đã chú trọng tăng cường nâng cao nhận thức về các lợi ích trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp, đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, hay các công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến… Thông qua Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác quản lý và định hướng cho các doanh nghiệp cải tiến năng suất và đổi mới công nghệ. Chính vì thế thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Bộ Công Thương đã diễn ra một cách bài bản và đạt được những kết quả nổi bật, thể hiện ở một số nội dung:

Về xây dựng chính sách, pháp luật

Bộ đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý và công cụ quản lý cần thiết cho các đơn vị chức năng của Bộ triển khai thực hiện trong quá trình thực thi công vụ như: Thông tư quy định về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư số 46/2014/TT-BCT), Thông tư quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương (Thông tư số 36/2019/TT-BCT), Thông tư quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương (Thông tư số 43/2018/TT-BCT), Thông tư ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương (Thông tư số 33/2017/TT-BCT), Quyết định ban hành lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025 (Quyết định số 3263/QĐ-BCT)... Có thể khẳng định, đảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với người tiêu dùng, người sản xuất và Nhà nước. Do đó, việc Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các công cụ quản lý, đồng thời kiểm tra việc thực hiện các quy định này đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn, chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Về công tác xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Căn cứ quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hàng năm Bộ đều tổ chức việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), xây dựng dự thảo và chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) thuộc lĩnh vực phân công trách nhiệm quản lý ngành Công Thương. Việc tổ chức, nghiên cứu xây dựng TCVN, QCVN được triển khai bài bản, hệ thống và chuyên nghiệp thông qua hệ thống các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 53 QCVN cho các đối tượng sản phẩm, hàng hóa như: vật liệu nổ công nghiệp, kỹ thuật điện, thiết bị đặc thù công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng (dệt may, giấy)… Các QCVN này là cơ sở khoa học và công cụ quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thông qua việc kiểm soát các sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có nguy cơ gây mất an toàn, kém chất lượng.

Nhìn chung, việc ban hành các TCVN, QCVN kịp thời đã giúp cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp một phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc ban hành nhanh và kịp thời các QCVN, TCVN còn phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế trong việc sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là công cụ và căn cứ khoa học, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát an toàn, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật đã nêu trong các luật, nghị định và các hiệp định thương mại đa phương, song phương.

Về hoạt động kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm, hàng hóa phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật được ban hành, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác đánh giá sự phù hợp. Đây là hoạt động vô cùng quan trọng trong tổng thể các hoạt động liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điển hình là tổ chức việc đăng ký, đánh giá, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở kiểm nghiệm có đủ năng lực và điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện việc thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, cũng như công tác an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Hàng năm, Bộ tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm, hàng hóa bắt buộc phải kiểm tra theo quy định tại Quyết định số 1325A/QĐ-BCT về việc ban hành danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ (hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; máy, thiết bị đặc thù công nghiệp; khăn giấy và giấy vệ sinh; an toàn thực phẩm; hiệu suất năng lượng) và các sản phẩm, hàng hóa khác thuộc phạm vi điều chỉnh bởi các QCVN (ví dụ: dệt may).

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện thử nghiệm, chứng nhận, giám định, bao gồm: 10 tổ chức đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; 17 tổ chức đối với sản phẩm dệt may và 18 tổ chức đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh.

Đối với công tác hậu kiểm, năm 2019 Bộ đã thành lập các đoàn công tác thực hiện việc hậu kiểm, lấy mẫu/mua mẫu và kiểm nghiệm bánh trung thu lưu thông trên thị trường phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với địa bàn các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 156 mẫu của 44 cơ sở và gửi kiểm nghiệm đối với 97 chỉ tiêu. Kết quả kiểm nghiệm 156/156 mẫu có kết quả phù hợp với hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương tại nơi sản xuất và một số địa điểm kinh doanh trên các chuỗi cung ứng, tổng đại lý, trung tâm phân phối, bán hàng tại các tỉnh, thành phố lớn tập trung đông dân cư và các tỉnh vùng sâu, vùng xa để gửi kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn thực phẩm; kiểm tra hồ sơ công bố sản phẩm/hồ sơ tự công bố sản phẩm và trình tự công bố/tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn; các chỉ tiêu an toàn cơ sở công bố/tự công bố (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng).

Các cơ quan quản lý nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đảm bảo 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ được kiểm tra và đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Tổng số lô hàng được kiểm tra năm 2019 là 23.223 lô (13 lô được kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt, còn lại là kiểm tra theo phương thức kiểm tra thông thường)...

Việc thường xuyên đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị quản lý liên quan của Bộ đã góp phần củng cố công tác thực thi pháp luật nghiêm minh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng liên quan đến an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Với vai trò là đơn vị đi đầu trong triển khai Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” từ năm 2012. Sau 8 năm thực hiện, đã có 468 mô hình điểm được xây dựng thuộc 8 ngành hàng chủ lực gồm: dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, thép, năng lượng, điện tử, cơ khí; đã tổ chức 55 cuộc hội thảo, 91 khóa tập huấn, giúp hình thành mạng lưới các chuyên gia tư vấn cải tiến năng suất, chất lượng không chỉ ở các đơn vị tư vấn mà còn ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hàng nghìn tin/bài tuyên truyền nhằm lan tỏa tinh thần cải tiến năng suất chất lượng trong toàn ngành... Có thể khẳng định, dự án đã mang lại những hiệu quả quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại doanh nghiệp. Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ dự án là tích cực. Theo số liệu điều tra về trình độ công nghệ được Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp quy mô lớn đã tham gia vào hoạt động đổi mới sản phẩm hoặc quy trình và gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ con số này giao động từ 50 và 17-18%. Điển hình như Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên, với việc ứng dụng công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất đã tạo ra những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp. Trong vòng 5 năm gần đây, doanh số bán hàng của Công ty có mức tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm, mức tăng khá cao đối với một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Có được kết quả này là nhờ Công ty liên tục duy trì khả năng cạnh tranh với 3 yếu tố quyết định: chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thành. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và đáp ứng tiến độ giao hàng, Công ty không ngừng đầu tư đổi mới và cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, gần 80% thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất, thực hiện kiểm tra, bao gói của Công ty đã được tự động hóa, nhờ đó thương hiệu của Công ty không ngừng được lan tỏa, nhiều khách hàng mới tìm đến, đặc biệt là các sản phẩm trong ngành ô tô, khai thác dầu khí... Hay tại Tổng công ty May 10, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ đã chứng minh trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo có đơn hàng và việc làm cho người lao động. Trước đây doanh nghiệp thường quan tâm nhiều đến khâu may vì đây là công đoạn chủ chốt quyết định năng suất dây chuyền, tuy nhiên, hiệu quả chưa thật sự cao khi cắt không đáp ứng được. Vì vậy, với hướng đi mới, tập trung vào việc cải thiện khâu cắt bằng việc đầu tư hệ thống máy trải vải và máy cắt tự động đã giúp doanh nghiệp giải quyết dễ dàng bài toán thiếu lao động, giảm ít nhất 2 lao động thủ công/máy nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho khâu may với chất lượng đạt tiêu chuẩn…

Định hướng trong bối cảnh mới

Trước những diễn biến khó dự báo về tình hình xuất - nhập khẩu trong thời gian tới và nhu cầu quản lý nhà nước ngày càng đổi mới, dựa trên việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành được quy định cụ thể trong luật và các nghị định có liên quan, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục định hướng đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua các hoạt động sau:

Một là, thực thi đầy đủ trách nhiệm được phân công về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia làm cơ sở quản lý an toàn, chất lượng đối với các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương theo hướng áp dụng công nghệ số, điện tử hóa các hồ sơ, thủ tục nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa với các cơ quan thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, hải quan, công an…

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa với các nội dung: trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các nước; tiếp nhận và xử lý các thông báo cảnh báo quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp…, đặc biệt là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Với yêu cầu nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như thúc đẩy, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đang hướng đến hoàn thiện một cơ cấu quản lý có tư duy đổi mới, hiệu quả, thực sự đóng vai trò đầu tàu trong quản lý kinh tế và đồng hành cùng doanh nghiệp từng bước phát triển, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu trọng điểm, đảm bảo ổn định thị trường trong nước; từ đó đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và vị thế quốc gia trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)