Thứ năm, 31/12/2020 09:47

Những sự kiện khoa học và công nghệ được mong chờ trong năm 2021

Năm 2021, 2 từ khóa được cho là nổi bật trong nền khoa học đó là biến đổi khí hậu và vaccine COVID-19. Theo đó, Tạp chí Nature đã dự đoán 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) được mong chờ trong năm 2021.

Biến đổi khí hậu khiến các vụ cháy rừng ở California thường xuyên và nghiêm trọng hơn (ảnh: Al Seib/Los Angeles Times/Getty).

Lật lại vấn đề khí hậu

Năm 2021 được coi là năm bản lề của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ tiến tới khôi phục vai trò lãnh đạo của quốc gia này trong vấn đề khí hậu, bao gồm việc tái gia nhập Hiệp định Paris. Tháng 11 là thời điểm diễn ra hội nghị đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, được tổ chức ở Glasgow, Vương quốc Anh. Lần đầu tiên sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 2015, các quốc gia sẽ thực hiện một vòng cam kết mới về cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi liên minh châu Âu và Trung Quốc đã có các kế hoạch đầy tham vọng về việc đạt được mức phát thải carbon dioxide ròng vào năm 2050-2060,  các nhà khoa học đang chờ xem liệu ông Biden có đặt ra những mục tiêu tương tự cho Mỹ hay không.

Nhóm điều tra COVID-19

Tháng 1/2021, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ cử một nhóm chuyên gia tới Trung Quốc để xác định nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Nhóm này bao gồm các nhà dịch tễ học, virus học, các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và động vật sẽ bắt đầu tìm kiếm tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Giai đoạn đầu của dự án sẽ tiến hành điều tra thịt và động vật được bán tại chợ Hoa Nam - nơi công bố những ca mắc COVID-19 đầu tiên và theo dõi hành trình của họ trong phạm vi Trung Quốc và xuyên biên giới. Các chuyên gia cho rằng, việc tìm ra nguồn gốc của virus sẽ mất nhiều năm, nhưng chắc chắn một số thông tin mới sẽ được công bố vào cuối năm 2021.

Chợ Hoa Nam, Trung Quốc (ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty).

Vaccine và đại dịch

Năm 2020 chứng kiến sự ra đời của các loại vaccine đầu tiên được cấp phép sử dụng để phòng chống COVID-19, hiệu quả của các loại vaccine mới này sẽ rõ ràng hơn vào đầu năm 2021. Điều đặc biệt đáng quan tâm là kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vaccine do các công ty dược phẩm Mỹ Novavax và Johnson & Johnson phát triển. Vaccine của 2 công ty này dễ phân phối hơn so với vaccine dựa trên RNA do Pfizer - BioNTech và Moderna sản xuất, vốn đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp. Công ty Novavax hiện đang tiến hành 2 cuộc thử nghiệm vaccine lớn tại Vương quốc Anh và Mỹ (dự kiến sẽ có kết quả vào đầu năm 2021) và cho biết họ có khả năng cung cấp đến 2 tỷ liều vaccine mỗi năm. Trong khi đó, Công ty Johnson & Johnson cũng đang tiến hành thử nghiệm vaccine tiêm 1 mũi (vaccine do Công ty Pfizer và Moderna yêu cầu phải tiêm 2 mũi).

Quyền truy cập mở

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động xuất bản khoa học trong năm 2021 khi dự án truy cập mở kéo dài 2 năm (do một số nhà tài trợ nghiên cứu lớn nhất thế giới tổ chức) đã thành hiện thực. Hơn 20 tổ chức, bao gồm thư viện Wellcome (Vương quốc Anh), quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ) và quỹ tài trợ NOW (Hà Lan)… quy định rằng bắt đầu từ tháng 1/2021, các bài báo từ các công trình nghiên cứu mà họ tài trợ phải được truy cập mở và đọc miễn phí.

Cải tiến tế bào gốc

Các nhà khoa học tế bào gốc đang háo hức chờ đợi các hướng dẫn nghiên cứu mới từ Hiệp hội Nghiên cứu Tế bào gốc quốc tế (ISSCR). Tổ chức này ban hành hướng dẫn lần cuối cách đây đã 4 năm. Lần cải tiến này sẽ bao gồm các nội dung mới về 'cấu trúc giống như phôi thai' của con người được nuôi cấy từ tế bào gốc trong ống nghiệm, có thể sẽ kéo dài 'quy tắc 14 ngày' (các nhà nghiên cứu không được phép làm việc với phôi người được tạo ra trong ống nghiệm lâu hơn 2 tuần sau khi thụ tinh - quy tắc này được pháp luật ở nhiều quốc gia công nhận), từ đó giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn tại sao rất nhiều trường hợp mang thai sớm lại bị sẩy thai.

Thuốc điều trị bệnh Alzheimer

Theo dự kiến, trong năm tới sẽ có quyết định liệu aducanumab - loại thuốc đầu tiên cho thấy khả năng làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị căn bệnh này hay không. Thuốc aducanumab được sản xuất bởi công ty dược phẩm Biogen, là một kháng thể liên kết với một protein amyloid-β trong não (được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer). Hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đã cho thấy các kết quả trái ngược nhau và một hội đồng cố vấn độc lập đánh giá hiệu quả của thuốc cho rằng không đủ dữ liệu để cấp phép sử dụng loại thuốc này. Các loại thuốc chữa bệnh Alzheimer duy nhất được chấp thuận cho đến nay thường chỉ để điều trị các triệu chứng nhận thức như mất trí nhớ, thay vì làm chậm sự tiến triển của căn bệnh này.

Sao Hỏa sẽ trở lên “đông đúc”

Các mục tiêu đầy tham vọng về khoa học vũ trụ của Trung Quốc sẽ được tiếp tục vào năm 2021 khi tàu vũ trụ Thiên vấn 1 hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021 với nhiệm vụ tìm kiếm nước và các dấu hiệu của sự sống. Nếu thành công, đây sẽ là chuyến thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của quốc gia này và là lần duy nhất một tàu thăm dò mang theo tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, tàu thám hiểm hạ cánh trên sao Hỏa. Cùng thời gian này, tàu vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hoa Kỳ cũng sẽ đến sao Hỏa.

Kính viễn vọng James Webb (ảnh: NASA).

Kính thiên văn James Webb

Tháng 10/2021 sẽ chứng kiến sự ra mắt được mong đợi từ lâu của kính viễn vọng không gian James Webb - kính viễn vọng không gian lớn nhất, mạnh mẽ nhất và phức tạp nhất từng được chế tạo (theo NASA). Kính thiên văn James Webb được cho là sẽ bao phủ nhiều bước sóng hơn kính thiên văn Hubble, từ đó cho phép các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ.

Hiệu ứng gợn sóng

Các nhà thiên văn học vô tuyến sắp tới sẽ tìm ra một phương pháp mới để phát hiện sóng hấp dẫn bằng cách khai thác các sao Neutron xung động. Bằng cách định thời chính xác tín hiệu từ các sao xung này, các nhóm nghiên cứu ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc sẽ tìm cách phát hiện các gợn sóng có bước sóng dài do các cặp lỗ đen siêu lớn tạo ra khi chúng quay quanh nhau tại trung tâm thiên hà.

Ẩn số Brexit

Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh vẫn đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận thương mại trước thời hạn dự kiến chuyển tiếp của thỏa thuận Brexit vào ngày 31/12/2020. Việc thỏa thuận có thành công hay không đã đặt ra nhiều nghi vấn về các nguồn kinh phí nghiên cứu và nhiều vấn đề khác đối với giới khoa học, vấn đề này sẽ còn tiếp tục trong năm 2021.

Bắc Lê
 (lược dịch theo Nature)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)